Giáo dục trực tuyến: Cần xác định điểm ưu tiên và chọn lộ trình phù hợp

Giáo dục trực tuyến: Cần xác định điểm ưu tiên và chọn lộ trình phù hợp
Tạp chí Nhịp sống số - Giáo dục trực tuyến không chỉ là câu chuyện thay đổi phương thức dạy và học, đưa tài nguyên lên môi trường internet... mà còn là việc làm cho nội dung phù hợp, đảm bảo chất lượng đào tạo và có sự cải tiến liên tục.

Gần 800 lãnh đạo và chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực giáo dục đại học (ĐH) đã tham gia Tọa đàm về Bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến giáo dục ĐH tại Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ĐH RMIT tổ chức ngày 30/7 vừa qua. .

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi tọa đàm chính sách Việt Nam dẫn đầu (Vietnam Leads) do Đại học RMIT khởi xướng từ năm 2020.

Xây dựng nội dung song hành cùng đảm bảo chất lượng đào tạo

Tại đây, các chuyên gia đã thảo luận chuyên sâu về hai khía cạnh có mối quan hệ mật thiết đến công tác bảo đảm chất lượng: cách xây dựng nội dung giáo dục trực tuyến chất lượng cao, và cách duy trì chất lượng hoạt động đào tạo trên môi trường internet một cách tốt nhất.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù hình thức giảng dạy là gì thì chất lượng nội dung cũng như trải nghiệm và kết quả học tập của sinh viên cũng phải được duy trì ở tiêu chuẩn cao nhất có thể. 

"Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích những thảo luận mở như thế này để các nhà hoạch định chính sách và các trường đại học tại Việt Nam có thể cùng trao đổi về vấn đề bảo đảm chất lượng, góp phần cải thiện khung pháp lý để thúc đẩy giáo dục trực tuyến và đẩy mạnh chuyển đổi số và số hóa trong giáo dục đại học tại Việt Nam”, bà Thủy cho biết. 

Tọa đàm về đào tạo trực tuyến
Các diễn giả tham gia đóng góp ý kiến và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn tại Tọa đàm

Tại tọa đàm, đại diện Cơ quan Quản lý chất lượng và Tiêu chuẩn giáo dục đại học Úc (TEQSA) đã chia sẻ về sự hợp tác thành công giữa cơ quan này với các tổ chức giáo dục đại học toàn cầu, trong đó có RMIT, để thu thập và xây dựng tài liệu về phương pháp học tập tốt trực tuyến cũng như trang tư vấn chuyên gia dành riêng cho giáo dục trực tuyến.

Những tài liệu này bao quát nhiều chủ đề liên quan đến dạy và học trực tuyến, từ cách bắt đầu và hỗ trợ cán bộ giảng viên làm việc trực tuyến, đến trải nghiệm của sinh viên và tính liêm chính trong hoạt động đánh giá khảo thí.

Để minh hoạ cho những nỗ lực hỗ trợ sinh viên tại Úc hoàn thành mục tiêu học tập dù với hình thức học tập nào, đại diện TEQSA cũng chia sẻ báo cáo toàn diện dựa trên khảo sát sinh viên tại 118 đơn vị giáo dục bậc đại học ở Úc, đem đến những hiểu biết quý giá về quá trình chuyển đổi nhanh chóng sang học trực tuyến và trải nghiệm sinh viên qua những thay đổi này.

Tăng bài tập thực tế, giảm kiểm tra truyền thống

Đóng góp vào chủ đề này, Quyền Thừa hành Phó chủ tịch Hội đồng trường (phụ trách Giáo dục) kiêm Phó giám đốc Đại học RMIT Giáo sư Sherman Young nhấn mạnh vào các yếu tố quan trọng khác như hiểu biết sát thực về tiến bộ của người học.

Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm của RMIT trong việc không ngừng tập trung vào đánh giá năng lực từ bài tập thực tế (authentic assessment), song song với việc giảm các hình thức kiểm tra truyền thống.

“Sinh viên RMIT học thông qua các dự án trong thế giới thực và được đánh giá theo cách giống như khi các em đi làm ở từng ngành nghề. Ngay cả trong môi trường trực tuyến, chúng tôi cũng cố gắng đảm bảo rằng mọi môn học đều tạo điều kiện cho sinh viên đạt được kết quả học tập như mong đợi bất kể hình thức học tập là gì”, Giáo sư Young nói.

Chủ tịch Đại học RMIT Việt Nam Giáo sư Peter Coloe cho biết: “Một cộng đồng thực hành đã hình thành tự nhiên và RMIT đóng vai trò điều phối viên trong đó. Tôi hy vọng các thành viên của cộng đồng này sẽ gặp gỡ thường xuyên để thảo luận về giáo dục trực tuyến, cách đảm bảo chất lượng, cũng như cách cải tiến liên tục và đưa giáo dục trực tuyến vào thực tiễn. Thông qua hợp tác và làm việc với nhau một cách bài bản, chúng ta có thể cùng xây dựng nên các ưu tiên và lộ trình phù hợp nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục trực tuyến tại Việt Nam”.

Tọa đàm lần này là sự tiếp nối của Tọa đàm chính sách cấp cao (tháng 9/2020), và Hội thảo chuyên sâu đầu tiên về lập kế hoạch, phạm vi, thuật ngữ và kỳ vọng giáo dục trực tuyến vào tháng 4/2021.

Các sự kiện này đã thúc đẩy thảo luận chính sách về những vấn đề cốt lõi đặt ra cho Việt Nam trong học tập trực tuyến và nâng cao số hóa giáo dục.

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm