Không chỉ nhanh chóng bắt kịp xu thế của thời đại 4.0, mang đến dịch vụ tiện ích tối ưu cho người dân, chuyển đổi số trong GTVT còn cho thấy quyết tâm và hành động thực tế của chính quyền cũng như Nhân dân Thủ đô.
Phục vụ trực tuyến
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Cụ thể hóa mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, Hà Nội đã tích cực vào cuộc, ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi mặt quản lý, kinh doanh, sản xuất, đời sống xã hội. Đặc biệt chuyển đổi số được thể hiện rõ nét nhất trong lĩnh vực GTVT Thủ đô.
Dịch vụ công đầu tiên được Hà Nội phục vụ trực tuyến toàn trình là cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX). Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện Nhân dân Thủ đô đã có thể hoàn toàn thực hiện thủ tục này trên mạng internet, không cần đến bộ phận một cửa xếp hàng chờ đợi như trước đây. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với cấp đổi GPLX đã giúp minh bạch, hiệu quả trong quản lý, loại trừ tiêu cực, thuận tiện cho người dân.
“Dịch vụ cấp đổi GPLX còn được ủy quyền cho các địa phương tiếp nhận, chuyển đến Sở GTVT giải quyết và trả kết quả cho người dân trên hệ thống trực tuyến” - vị này cho hay.
Tháng 4 vừa qua, Hà Nội đã chính thức đưa hệ thống thẻ vé ảo vào ứng dụng trong toàn hệ thống xe buýt của TP. Giờ đây người dân có thể mua, đổi, gia hạn, sử dụng thẻ vé xe buýt chỉ bằng một thiết bị di động, tiết kiệm chi phí xã hội từ việc không sử dụng vé giấy, hơn nữa còn thuận tiện, tránh phiền hà cho hành khách khi không còn lệ thuộc vào vé giấy và tiền mặt. Hệ thống thẻ vé ảo đã ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng, hoan nghênh của Nhân dân Thủ đô, đặc biệt là giới trẻ. Sắp tới loại hình này sẽ tiếp tục được mở rộng, ứng dụng trong hệ thông đường sắt đô thị Thủ đô.
Cũng trong tháng 4/2024, ứng dụng thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt đã được thí điểm tại một số quận nội thành Hà Nội. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội Nguyễn Đức Vinh cho biết, thí điểm trong thực tế cho thấy dịch vụ thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt rất hữu ích, được khách hàng ủng hộ toàn diện.
“Không chỉ thuận lợi cho khách hàng, thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt còn giúp DN kiểm soát tốt nguồn thu, tránh thất thoát và minh bạch hoạt động kinh doanh, sản xuất trước cơ quan quản lý Nhà nước” - ông Nguyễn Đức Vinh nói.
Tháng 5 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo và được UBND TP phê duyệt phương án triển khai thí điểm hệ thống giao thông thông minh (GTTM), thiết lập Trung tâm điều hành GTTM tại Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội. Khi thí điểm sẽ lắp đặt thiết bị; phần mềm điều khiển, đo đếm lưu lượng, giám sát vi phạm, cung cấp thông tin, điều khiển đèn tín hiệu GTTM... tại 2 nút giao thông trên đường Phạm Văn Bạch (quận Cầu Giấy).
Trước đó, Hà Nội đã có một thời gian dài thí điểm công nghệ cảnh báo ùn tắc, va chạm giao thông bằng màn hình điện tử tại cầu vượt nút giao Tây Sơn - Chùa Bộc và đường Vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Những mảnh ghép và thử nghiệm đó cho thấy hai kết quả. Thứ nhất là hiệu quả thực tiễn của giao thông số đối với đời sống xã hội và công tác quản lý Nhà nước. Thứ hai là Hà Nội đang đi đúng hướng trên lộ trình xây dựng hệ thống GTTM”.
Có chiến lược rõ ràng
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường chia sẻ, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã định hướng cho Thủ đô phát triển trong những năm tới, xác định GTTM là một trong những yếu tố rất quan trọng để xây dựng Hà Nội trở thành TP thông minh. Thành ủy Hà Nội cũng đã có Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 30/12/2022 về “Chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mới đây nhất Sở GTVT đã trình lên TP Đề án “GTTM trên địa bàn TP Hà Nội”. Đó là những bước đi cụ thể, rõ nét thể hiện một chiến lược rõ ràng của TP trong phát triển hệ thống GTTM, chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực GTVT.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm, Sở đang đề xuất nghiên cứu tổng thể, đưa ra những dự án cụ thể để triển khai, cố gắng phấn đấu từ đây đến năm 2030 xây dựng được kịch bản cơ sở cho việc xây dựng TP thông minh và GTTM. Đây cũng là mong muốn của lãnh đạo TP cũng như Nhân dân Thủ đô.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang gấp rút số hóa dữ liệu giao thông theo từng lớp. Đầu tiên là lớp hạ tầng, sau đến lớp mạng lưới vận tải công cộng, tiếp theo nữa là mạng lưới toàn bộ các hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho xe buýt bao gồm nhà chờ, điểm dừng đỗ… Dự kiến, trong năm 2024 Sở GTVT sẽ hoàn thành xây dựng bản đồ số hạ tầng giao thông để mỗi cơ quan quản lý Nhà nước đều có thể vào đó khai thác dữ liệu chung.
Tuy nhiên việc phát triển hệ thống GTTM, hoàn tất chuyển đổi số trong lĩnh vực GTVT đòi hỏi Hà Nội phải có những điều kiện cơ bản rất thuận lợi. Thạc sĩ Phan Trường Thành nhận định, trước hết TP phải có một cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho lĩnh vực GTTM và TP thông minh. Cơ chế, chính sách đó còn phải đề xuất và tranh thủ được sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ.
Một thách thức rất lớn nữa là nguồn lực đầu tư. Trước mắt, nguồn lực quan trọng nhất, dồi dào nhất vẫn là nguồn lực xã hội, nếu thuần túy ngân sách Nhà nước là chưa đủ và cũng không thể đáp ứng được về lâu dài. Chính vì vậy, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, cũng đưa ra một loạt các loại hình, phương thức đầu tư mới, mở rộng hành lang để thu hút nguồn lực xã hội cho GTTM, chuyển đổi số.
Hà Nội đang hướng tới những giải pháp linh hoạt như: “thuê” hạ tầng, công nghệ của các nhà đầu tư cho GTTM. Hạ tầng thuê thực tế vẫn sử dụng được và cho hiệu quả khả quan, giảm bớt gánh nặng cho TP.
“Có thể nói, thuê dịch vụ trọn gói là một trong những lời giải tốt nhất cho GTTM và rộng hơn nữa là cả TP thông minh, vừa tiết kiệm, vừa thuận lợi trong quá trình triển khai” - thạc sĩ Phan Trường Thành nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội đã đề ra một chiến lược chuyển đổi số trong GTVT, phát triển GTTM phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng lâu dài. Sau nhiều năm chờ đợi, đây là thời điểm có thể thấy rõ nhất những chuyển biến tích cực của ngành GTVT, xứng đáng với vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi số toàn diện của Thủ đô. Đông đảo Nhân dân Thủ đô nhờ đó cũng đã nhận thấy hiệu quả thiết thực và hưởng ứng mạnh mẽ hơn Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia hướng đến mục tiêu năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.