Theo South China Morning Post, công ty trí tuệ nhân tạo (AI) lớn nhất Trung Quốc SenseTime hôm 11/12 bác bỏ cáo buộc của Mỹ về việc hỗ trợ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, sau khi Bộ Tài chính Mỹ đưa công ty vào danh sách đen đầu tư ngay trước thời đểm thực hiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Hồng Kông.
Bộ Tài chính Mỹ hôm 10/12 thông báo đã áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với SenseTime cùng hai quan chức chính phủ cấp cao ở Tân Cương vì những cáo buộc vi phạm nhân quyền. Động thái này buộc SenseTime phải cắt giảm một nửa quy mô IPO, trong bối cảnh bán tháo cổ phiếu công nghệ do những lo ngại về quyền riêng tư và quy định của Mỹ. Công ty cũng không định giá đợt chào bán cổ phiếu, vốn đã sẵn sàng để huy động 5,99 tỉ đô la Hồng Kông (khoảng 768,3 triệu USD), vào ngày 10/12 như dự kiến vì lệnh trừng phạt. Hiện hãng AI Trung Quốc không cung cấp thông tin chi tiết về việc liệu ngày niêm yết dự kiến 17/12 tới có được giữ hay không.
Đáp lại lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ, SenseTime nói trong một tuyên bố hôm 11/12 rằng: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ lệnh chỉ định và cáo buộc liên quan đến nó. Các cáo buộc đó là vô căn cứ và phản ánh nhận thức sai lầm cơ bản về công ty chúng tôi. Chúng tôi rất tiếc vì bị cuốn vào giữa căng thẳng địa chính trị”. Đồng thời, SenseTime cũng cam kết thúc đẩy việc sử dụng AI bền vững, có trách nhiệm và đạo đức.
Biện pháp trừng phạt mới nhất của chính quyền Mỹ đặt SenseTime vào danh sách “các công ty phức hợp công nghiệp - quân sự Trung Quốc”. Nó cho thấy hành động liên tục của Mỹ nhằm trấn áp các tập đoàn và quan chức Trung Quốc được coi là vi phạm nhân quyền liên quan đến người Uygur, cũng như các nhóm dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương.
Theo một lệnh hành pháp được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hồi năm ngoái, các công ty Mỹ sẽ bị cấm đầu tư vào doanh nghiệp nằm trong danh sách đen. Do đó, một số chuyên gia cho rằng SenseTime khó có thể tránh khỏi tình trạng chậm trễ IPO. “Quyết định của Bộ Tài chính Mỹ sẽ cấm mọi người dân Mỹ mua hoặc bán chứng khoán được giao dịch công khai, hoặc dẫn xuất của các chứng khoán đó được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán ở bất kỳ khu vực tài phán nào, bao gồm cả Hồng Kông”, Chen Weiheng, đối tác và người đứng đầu công ty luật Wilson Sonsini của Mỹ, nói.
Lệnh cấm mới sẽ có hiệu lực trong 60 ngày kể từ ngày 10/12. Tuy nhiên, người dân Mỹ sẽ có một năm cho đến ngày 9/12/2022 để thoái vốn chứng khoán của SenseTime. “Lệnh trừng phạt này đặt ra thách thức đáng kể đối với đợt IPO đang diễn ra của SenseTime vì không có nhà đầu tư Mỹ mới nào sẽ tham gia và các nhà đầu tư Mỹ hiện tại sẽ cần phải bán cổ phiếu trong vòng một năm. SenseTime cũng cần cập nhật bản cáo bạch để phản ánh thay đổi mới, vì vậy ít nhất sẽ có sự chậm trễ. Nó cũng tạo ra tình huống khó khăn cho sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông về việc liệu có muốn đặt tiền lệ để một công ty trong danh sách đen được niêm yết hay không”, ông Chen nói thêm.
Quyết định đưa SenseTime vào danh sách đen cũng trùng với ngày cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ do Mỹ tổ chức với hơn 100 quốc gia tham dự. Biện pháp trừng phạt đối với SenseTime có thể giáng một đòn mạnh vào các cổ đông Mỹ, bao gồm Silver Lake, công ty cổ phần tư nhân có 3% cổ phần trong công ty SenseTime, và Fidelity, công ty sở hữu lượng cổ phần nhỏ hơn.