Trong tuyên bố của mình, Xiaomi cho biết họ đã tăng từ 100 lên con số ấn tượng 1,175 tỉ người dùng cùng với danh mục sản phẩm hiện trải rộng trên 200 hạng mục. Công ty thừa nhận trong kỷ nguyên IoT, họ phải đối mặt với những thách thức khi giải quyết sự phức tạp phát sinh từ vô số hệ điều hành thiết bị và những thách thức về khả năng tương tác giữa các hệ sinh thái khác nhau.
Điều này dẫn đến sự ra đời của Xiaomi HyperOS. Được phát triển từ năm 2017, HyperOS được thiết kế nhằm mục đích hợp nhất tất cả các thiết bị trong hệ sinh thái thành một hệ thống tích hợp để đạt hiệu suất cao nhất, trải nghiệm người dùng nhất quán và kết nối liền mạch.
Xiaomi HyperOS được xây dựng dựa trên Linux và hệ thống Xiaomi Vela do Xiaomi tự phát triển, cho phép nó hoạt động hiệu quả với nhiều thiết bị khác nhau, bất kể kích thước RAM (từ 64 KB đến 24 GB). HyperOS có dung lượng nhẹ (firmware hệ thống trên smartphone chỉ chiếm 8,75 GB) và sử dụng tài nguyên tối thiểu so với các đối thủ, từ đó mang lại hiệu suất tối ưu. Hệ điều hành này vượt trội trong việc lên lịch tác vụ và quản lý tài nguyên, đảm bảo hiệu suất ổn định ngay cả trong các tình huống sử dụng nhiều tài nguyên. Các mô-đun kỹ thuật, chẳng hạn như hệ thống tệp và quản lý bộ nhớ, được tối ưu hóa để khai thác các khả năng phần cứng khác nhau.
Với cốt lõi là một khung Kết nối thông minh đa thiết bị tiên tiến, HyperConnect cách mạng hóa khả năng kết nối, cho phép người dùng kiểm soát tất cả thiết bị được kết nối từ mọi nơi. Nó cho phép chuyển đổi nguồn camera trong cuộc gọi video, truy cập camera từ nhiều thiết bị khác nhau và truyền dữ liệu liền mạch giữa các thiết bị.
Trong khi đó, HyperMind là trung tâm AI giúp các thiết bị trở nên chủ động. Tính năng này tìm hiểu nhu cầu của người dùng và điều chỉnh thiết bị phù hợp, cho phép họ tận hưởng khả năng tự động hóa thông minh mà không cần hiểu logic phức tạp.