Hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp Việt Nam phục hồi sau đại dịch

Hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp Việt Nam phục hồi sau đại dịch
Tạp chí Nhịp sống số - Năm 2021 vừa qua ghi nhận sự thay đổi “khẩu vị” đầu tư, cũng như dịch chuyển theo hướng tập trung hơn cho các nhóm ngành có cơ hội phát triển trong đại dịch. Thông tin từ Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam, được công bố ngày 21/4 tại Hà Nội.

Đây là năm thứ hai Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam được phát hành, trên cơ sở hợp tác giữa Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết “Tuy đặt ra nhiều thử thách cho nền kinh tế, nhưng Covid-19 lại trở thành một chất xúc tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Công nghệ số đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua cơn khủng hoảng và còn giúp nhiều công ty có thể đạt được tăng trưởng vượt bậc”. 

Theo Thứ trưởng Trần Huy Đông, ĐMST và chuyển đổi số đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua cơn khủng hoảng, thậm chí đạt được tăng trưởng vượt bậc

Việt Nam đã có 4 kỳ lân công nghệ

Trong năm 2021, Việt Nam đón chào sự xuất hiện của thêm hai kỳ lân công nghệ mới, Momo và Sky Mavis, nhờ vào tần suất sử dụng các sản phẩm số ngày một tăng cao của người dùng trong thời gian dịch bệnh. Thành công của hai công ty này càng khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm công nghệ mới nổi của khu vực. ĐMST tại Việt Nam sẽ có một tương lai đầy hứa hẹn khi hiện có hàng chục công ty với định giá vài trăm triệu đô la Mỹ đang phát triển mạnh mẽ và sẽ sớm trở thành những kỳ lân mới trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, năm 2021 cũng ghi nhận sự thay đổi “khẩu vị” đầu tư cũng đã có sự thay đổi theo hướng dịch chuyển để tập trung hơn cho các nhóm ngành có cơ hội phát triển trong đại dịch. Cụ thể, các lĩnh vực Thanh toán và Thương mại điện tử (TMĐT) vẫn dẫn đầu trong việc thu hút vốn đầu tư, trong khi Trò chơi trực tuyến (Gaming) đã vươn lên vị trí thứ ba. Ngoài ra, các lĩnh vực Y tế, Giáo dục, và Chuyển đổi số trong doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc về số tiền đầu tư với mức tăng trưởng trong năm 2021 lần lượt là 1.016%, 526%, và 205%.

Momo, một “kỳ lân” công nghệ mới của Việt Nam

2022 sẽ là năm bản lề của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam

Hiện nay, tổng số quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam tăng 60%, phân bổ đồng đều giữa các quốc gia. Trong đó, quốc gia có số lượng nhà đầu tư tích cực nhất trong năm 2021 là Singapore, tiếp theo là Việt Nam và Hoa Kỳ. Hoạt động đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam cũng dần sôi động hơn sau hai năm chững lại. Tổng số giao dịch của các thương vụ trên 10 triệu USD vượt mức 1 tỷ USD, tăng 255% so với năm trước. Trong khi nguồn vốn chảy vào vòng Seed tăng lên mức cao kỷ lục cả về số lượng và giá trị thương vụ, thì nguồn vốn chảy vào các vòng sau series A đã trở về mức trước Covid.

Đặc biệt, năm 2021 chứng kiến sự xuất hiện của 5 giao dịch trị giá trên 100 triệu USD trong các lĩnh vực Thanh toán, TMĐT, và Gaming. Với số lượng lớn các công ty giai đoạn đầu đầy tiềm năng và môi trường kinh doanh thuận lợi nhờ vào sự hỗ trợ sâu sát của Chính phủ, hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam đã sẵn sàng để bước vào giai đoạn trưởng thành hơn. Đó là những cơ sở vững chắc để ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia kết luận: “Năm 2022 sẽ là năm bản lề để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam có những bước phát triển đột phá, mở ra nhiều cơ hội cho giai đoạn phát triển tiếp theo của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và nền kinh tế số Việt Nam.”

Cùng chung nhận định này, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Quỹ Do Ventures, cho biết: “Hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp ở nước ta đã có những bước hồi phục ấn tượng trong năm 2021 nhờ vào sự bền bỉ của các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ. Với đà phát triển hiện nay, tôi tin rằng các nhà sáng lập Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được thành công và đưa Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ đáng chú ý trong khu vực.”

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.