Huawei đang đi vào vết xe đổ của Windows Phone?

Huawei đang đi vào vết xe đổ của Windows Phone?
Tạp chí Nhịp sống số - Sau 14 tháng lệnh cấm vận của Mỹ có hiệu lực, Huawei đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển ứng dụng riêng cho sản phẩm của họ.

Huawei hiện là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới tính về số lượng sản phẩm xuất xưởng

Theo số liệu từ Canalys, Huawei vừa trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới tính về số lượng sản phẩm trong quý II/2020. Trước đó, vị trí này thuộc về Samsung. Đây là lần đầu tiên sau 9 năm có một công ty không phải Apple hoặc Samsung dẫn đầu thị trường.

Từ khi Mỹ ban hành lệnh cấm vận với Huawei, công ty Trung Quốc này đã thay đổi rất nhiều trong 14 tháng biến động. Trong đó, phải kể đến việc tất cả điện thoại mới của Huawei không sử dụng được các dịch vụ Google trong đó có Play Store.

Huawei đã có nhiều phương án để khỏa lấp những khoảng trống mà dịch vụ Google để lại. Tuy vậy, khó khăn trong việc tiếp cận kho ứng dụng Google đang đẩy công ty này vào tình thế tương tự như Windows Phone cách đây một thập kỷ.

Gặp khó khăn như điện thoại Windows

Tại thời điểm ra mắt, smartphone của Microsoft thể hiện sự vượt trội về sức mạnh phần cứng và hệ thống máy ảnh ấn tượng. Tuy nhiên, số lượng ứng dụng có thể hoạt động trên Windows Phone là rất ít.

Để giải quyết vấn đề, Microsoft đã chi rất nhiều tiền để thuyết phục các nhà phát triển mở rộng ứng dụng của họ trên điện thoại Windows. Các nhà phát triển sau đó cũng đồng ý, nhưng kết quả là người dùng chỉ được trải nghiệm một phiên bản nửa vời, hạn chế nhiều chức năng so với iOS hoặc Android.

Điện thoại của Huawei từng được biết tới với những công nghệ AI đặc biệt và camera kết hợp với Leica. Nhưng sau khi lệnh cấm vận có hiệu lực, người dùng mới gần như không thể sử dụng những ứng dụng của Mỹ như Facebook, Instagram...

Một năm sau khi bị cấm, Huawei cho biết họ đã phát triển gấp đôi lực lượng nhân sự để phát triển ứng dụng riêng cho Huawei Mobile Services (HMS) nhằm thay thế cho hệ sinh thái của Google (GMS).

"Huawei hiện có 1,6 triệu nhà phát triển ứng dụng, tăng 76% so với năm trước. Chúng tôi cũng đã có hơn 80.000 ứng dụng mới trên HMS", Jaime Gonzalo, Phó chủ tịch Mảng Di động của Huawei tại thị trường châu Âu cho biết.

"Tôi biết 80.000 ứng dụng là một con số khiêm tốn so với 3 triệu ứng dụng ngoài kia, nhưng chúng tôi đang tập trung vào những ứng dụng quan trọng và hữu ích với người dùng nhất", Gonzalo nói thêm.

Theo số liệu từ Counterpoint, 60% doanh thu của Huawei đến từ thị trường Trung Quốc, nơi mà người dùng thường ưu tiên sử dụng ứng dụng nội địa. Với điểm tựa là nguồn doanh thu ổn định từ thị trường trong nước, Huawei đang đi theo định hướng phát triển chất lượng của mỗi ứng dụng hơn là số lượng để giải quyết bài toán cho người dùng quốc tế.

Huawei cần tăng tốc ở thị trường quốc tế

Nếu người dùng quốc tế muốn mua smartphone mới của Huawei, họ sẽ phải cân nhắc rằng chiếc điện thoại này sẽ rất khó truy cập vào hàng loạt ứng dụng phổ biến như WhatsApp, Instagram, Uber, AirBnb, Facebook, Google Maps, YouTube, Netflix, Twitter, Tinder, Dropbox, Slack, Amazon Prime, Spotify...

Gần đây, Huawei giới thiệu một dịch vụ có tên Petal Search, cho phép người dùng tìm kiếm file .APK để tự cài đặt những ứng dụng Android nằm ngoài kho ứng dụng mà HMS phát triển.

Tuy nhiên, giải pháp này rất khó thực hiện đối với đa số người dùng. Ngoài ra, khi các ứng dụng có bản cập nhật mới hoặc vá lỗi, người dùng Huawei cũng phải chờ một thời gian mới có thể trải nghiệm.

Nhìn từ cách công ty công nghệ Trung Quốc thích nghi với lệnh cấm vận và nhanh chóng phát triển hàng loạt ứng dụng tương tự như trên hệ sinh thái Google, không thể phủ định Huawei vẫn là một chiếc điện thoại Android.

Đây có thể là sự khác biệt lớn nhất so với tình thế của Microsoft lúc trước. Huawei đang xây dựng hệ sinh thái HMS mới trên nền tảng đã có sẵn của điện thoại Android, trong khi một thập kỷ trước, Microsoft phải đặt những viên gạch đầu tiên cho ứng dụng Windows Phone.

Ngoài ra, Microsoft trước đây là công ty chuyên sản xuất phần mềm và các sản phẩm liên quan tới máy tính. Họ không có lượng người dùng lớn khi tham gia vào lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh.

Huawei ở thời điểm trước lệnh cấm vận có một tình thế hoàn toàn khác. Cụ thể, Huawei đã bán hơn 205 triệu smartphone trong năm 2018, 240 triệu smartphone trong năm 2019 và trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 toàn cầu, số liệu từ Forbes.

Tuy vậy, trong giai đoạn tiếp theo, nếu một người dùng cũ của Huawei bên ngoài Trung Quốc muốn mua một điện thoại mới, liệu họ sẽ mua một chiếc điện thoại Android khác hay tiếp tục sống chung với khó khăn cùng Huawei.

Một thập kỷ trước, nhiều người tiêu dùng bị thuyết phục bởi camera của Windows Phone, sau đó họ đã gặp vô vàn khó khăn khi sử dụng những ứng dụng mà bạn bè họ có trên Android hoặc iOS.

Gần đây, các nhà bán lẻ cũng phải cảnh báo khách mua hàng là điện thoại của Huawei sẽ có những hạn chế nhất định khi sử dụng, sau nhiều phản hồi của người dùng là điện thoại Huawei rất khó cài đặt các ứng dụng phổ biến như WhatsApp, Instagram và Uber.

Cuối cùng thì người dùng sẽ cảm thấy thoải mái với chiếc điện thoại có những ứng dụng phổ biến mà họ cần, hơn là sở hữu một thiết bị có nhiều công nghệ AI tiên tiến hoặc camera chụp hình rất đẹp. Đó là bài học đau đớn mà Microsoft và Nokia đã từng trải qua trong những năm trước.

 

Có thể bạn quan tâm