Kết nối nâng cao sẽ trở thành "từ khóa" thành công cho tất cả các ngành công nghiệp

Tạp chí Nhịp sống số - Cùng với Trí tuệ nhân tạo ứng dụng và xu hướng Tiêu dùng bền vững, Kết nối nâng cao đang trở thành một trong những công nghệ nổi bật và quan trọng đối với nhiều ngành công nghệ, theo đánh giá của McKinsey.

McKinsey mới đây đã công bố báo cáo về những xu hướng công nghệ nổi bật hiện nay. Các xu hướng này được đánh giá dựa trên các yếu tố hữu hình như: đầu tư, hoạt động nghiên cứu, số lượng truy vấn qua công cụ tìm kiếm, ấn phẩm tin tức, bằng sáng chế...cùng với các cuộc phỏng vấn. Từ đó, đo lường mối quan tâm, sự đổi mới sáng tạo và giá trị đầu tư. 

Theo đó, McKinsey nhận định: công nghệ Kết nối nâng cao (Advanced Connectivity) được đánh giá là có thể hỗ trợ nhiều ngành và lĩnh vực, giúp nâng tăng năng suất và mang đến những trải nghiệm người dùng tích cực hơn. 

Dưới đây là 3 xu hướng nổi bật được "xướng danh" hàng đầu:

Trí tuệ nhân tạo ứng dụng (Applied AI)

Trong một khảo sát toàn cầu của McKinsey, có đến 56% người được hỏi cho biết doanh nghiệp của họ đã ứng dụng AI. Một số ngành có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện hoạt động vận hành, nâng cao hiệu quả tài chính và chất lượng dịch vụ như: Y Dược, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính, bán lẻ...

Trong lĩnh vực Y Dược, các công ty dược phẩm sử dụng thuật toán AI để phát hiện mối quan hệ giữa các phương pháp điều trị y tế và tổng hợp kết quả nghiên cứu phục vụ việc bào chế các loại thuốc mới. Còn với việc chăm sóc sức khỏe, các chức năng hỗ trợ AI như nhận dạng bệnh lý tự động và hỗ trợ chẩn đoán.

Cùng đó, AI có thể hỗ trợ quản lý rủi ro trong các dịch vụ tài chính theo nhiều cách khác nhau, điển hình như việc phát hiện gian lận thẻ tín dụng.

Các nhà bán lẻ có thể thúc đẩy doanh số bán hàng bằng cách sử dụng máy học để phân tích tập hợp dữ liệu mua hàng khổng lồ, đưa ra các đề xuất cho người mua hàng.

Hay với công nghiệp sản xuất ô tô, Al là trung tâm của sự phát triển xe tự hành và cũng cho phép tự động hóa quá trình kiểm tra chất lượng và sản xuất, lắp ráp... 

Thị trường công nghệ liên quan tới AI được dự báo sẽ bùng nổ trong những năm tới, đạt khoảng 169.411 tỉ đô la vào năm 2025 khi đem lại hiệu suất đáng kinh ngạc và tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng cho công ty (Artificial Intelligence Market by Technology and Industry Verticals: Global Opportunity Analysis and Industry Forecast).

Kết nối nâng cao (Advanced Conectivity)

Theo McKinsey, Kết nối nâng cao đang trở thành một công nghệ quan trọng cho tất cả các ngành công nghiệp như: Viễn thông, giao thông, sản xuất ô tô, năng lượng, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, logistic... Các giao thức và công nghệ kết nối nâng cao cung cấp cho hệ thống mạng lưới với nhiều lưu lượng dữ liệu hơn, vùng phủ sóng địa lý rộng hơn, độ trễ ít hơn và nhu cầu tiêu thụ điện năng thấp hơn. Những cải tiến này sẽ nâng cao trải nghiệm người dùng và tăng năng suất trong các ngành như di động, chăm sóc sức khỏe và sản xuất. Một số công nghệ kết nối nâng cao đang phổ biến hiện nay có thể kể tới như Wifi 6, mạng 5G/6G, cáp quang,…

Ngày nay, các công ty viễn thông đang sử dụng công nghệ kết nối nâng cao để giới thiệu các dịch vụ B2C và B2B mới, chẳng hạn như các dịch vụ di động cho khách hàng bán lẻ và các giải pháp 5G cho khách hàng công ty...

Trong khi đó, công nghệ xe tự hành cần có sự hỗ trợ của kết nối nâng cao để phát huy các tính năng; hay ngành bán lẻ sử dụng Kết nối nâng cao để mang đến trải nghiệm số tốt hơn, cá nhân hóa cho người tiêu dùng.

Hoặc như việc triển khai mạng lưới tiện ích thông minh với đồng hồ thông minh, cảm biến và các thiết bị đám mây khác sẽ cần công nghệ kết nối nâng cao để mở rộng phạm vi phủ sóng.

Công nghệ cũng giúp kết nối các thiết bị y tế, hỗ trợ các bác sĩ thăm khám từ xa hoặc chẩn đoán, điều trị bệnh... 

Kết nối nâng cao cũng là yếu tố thúc đẩy các công nghệ mới. Đơn cử, công nghệ điện toán đám mây và điện toán biên, kết hợp với kết nối nâng cao sẽ mang lại lợi ích tối đa cho người tiêu dùng và ngành công nghiệp, gia tăng trải nghiệm người dùng, hỗ trợ con người trong làm việc và giải trí với dung lượng băng thông lớn, tốc độ truyền dẫn tức thời..

Tiêu dùng bền vững

Tiêu dùng bền vững tập trung vào việc sử dụng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất bằng cách sử dụng công nghệ các-bon thấp và vật liệu bền vững, nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường.

Nhiều lĩnh vực đang chuyển sang tiêu dùng bền vững và đạt được những tiến bộ đáng chú ý như: xây dựng, vật liệu mới, hàng không, du lịch, logistic... 

Ở cấp độ vĩ mô, tiêu dùng bền vững là yếu tố rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro môi trường, bao gồm cả biến đổi khí hậu. Đối với các công ty, việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ bền vững có thể hỗ trợ việc tuân thủ các quy định mới, tạo cơ hội tăng trưởng và giúp thu hút nhân tài.

Một nghiên cứu cho thấy 80% những người được hỏi thuộc thế hệ millennials muốn làm việc cho một công ty có tính bền vững cao và tập trung vào các khía cạnh khác về môi trường, xã hội và quản trị. Hơn nữa, khách hàng ngày nay cũng có những sự lựa chọn khắt khe hơn khi mua các sản phẩm trên thị trường. Họ sẵn sàng trả tiền cho việc mua sắm những sản phẩm và dịch vụ có tính bền vững, thân thiện với môi trường.

Có thể bạn quan tâm

akaVerse, đơn vị cung cấp giải pháp đào tạo ứng dụng công nghệ thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) hàng đầu Việt Nam thuộc FPT IS vinh dự nhận giải Sao Khuê 2024 trong lĩnh vực Công nghệ số - AR, VR, XR. Giải thưởng danh giá này là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của akaVerse trong việc mang đến những giải pháp đào tạo tiên tiến và hiệu quả nhất cho doanh nghiệp.