Kinh doanh trực tuyến tăng trưởng với tốc độ chóng mặt

Kinh doanh trực tuyến tăng trưởng với tốc độ chóng mặt
Tạp chí Nhịp sống số - Với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015, nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong 3 năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD.

Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF)

Thông tin trên được chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF) do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức hôm nay 26/3.
 
Kinh doanh trên mạng xã hội được đánh giá cao
 
Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, Giám đốc Trung tâm EcomViet (Vecom), năm 2018 vừa qua đã đánh dấu sự tăng trưởng tốt của mô hình kinh doanh trên các mạng xã hội. Có thể thấy đây là hình thức kinh doanh hiệu quả với chi phí thấp đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn mà điển hình là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh và cá thể.
 
Cũng theo ông Minh, song song với sự bùng nổ của công nghệ thông tin nói chung và thương mại điện tử nói riêng, ngày nay xu hướng đa kênh đa nền tảng mới là tâm điểm thu hút doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn, người tiêu dùng thông minh đang thay đổi cách thức tìm kiếm và mua sắm của họ từ những cách truyền thống sang những trải nghiệm mới tiện dụng hơn.
 
Theo khảo sát của Vecom, năm 2018, trong cả nước có khoảng 17% doanh nghiệp cho biết có website phiên bản di động, tỷ lệ này cũng không có sự chênh lệnh nhiều trong vòng 3 năm trở lại đây.

Trong tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 45% doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả của việc bán hàng thông qua mạng xã hội (tăng nhiều so với tỷ lệ 39% năm 2017), tiếp theo đó là 32% doanh nghiệp đánh giá cao kênh bán hàng thông qua website doanh nghiệp (giảm một chút so với tỷ lệ 35% năm 2017), hai kênh là ứng dụng di động và sàn giao dịch thương mại điện tử hầu như không có sự thay đổi nhiều so với năm trước.

Liên quan đến việc nhận đơn hàng và đặt hàng qua các công cụ trực tuyến, khảo sát của Vecom cũng cho thấy, 84% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có nhận đơn đặt hàng trực tuyến thông qua email (tăng 5% so với năm 2017), cho tới thời điểm hiện tại đây vẫn là kênh quan trọng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các kênh trực tuyến. Tiếp theo đó là mạng xã hội (49%); website (36%) và sàn thương mại điện tử (13%).

Quảng cáo trên mạng xã hội tăng trưởng mạnh

Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2019 của Vecom, trong nhiều năm liền, Facebook luôn dẫn đầu là kênh doanh nghiệp tin dùng nhiều nhất để hỗ trợ quảng cáo website/ứng dụng di động trong công ty (năm 2018 tỷ lệ doanh nghiệp có dùng mạng xã hội để quảng cáo lên tới 49% và tăng 6% so với năm 2017), hình thức thông dụng thứ 2 là các công cụ tìm kiếm (33%) và thông qua tin nhắn/email quảng cáo (28%).

Hai năm gần đây cụm từ “Tiếp thị liên kết” cũng đã làm thay đổi nhiều chiến lược làm tiếp thị của một bộ phận lớn các công ty thương mại điện tử, xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Khảo sát cũng chỉ ra có tới 20% doanh nghiệp tham gia cuộc điều tra chưa tiến hành quảng bá trực tuyến, tỷ lệ này có giảm đôi chút so với năm 2017 nhưng vẫn còn là một con số khá cao trong thời đại công nghệ số.

Có tới 58% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, mới chi dưới 10 triệu đồng trong năm qua để làm chi phí quảng cáo website/ứng dụng di động qua các phương tiện trực tuyến và ứng dụng di động, xét về tổng thể tỷ lệ này càng cao thì nhận thức cũng như hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo do doanh nghiệp triển khai thực tế chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp chi thêm ngân sách. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp chi từ 10 - 50 triệu đồng cho hoạt động quảng bá trực tuyến chiếm 32% (giảm 4% so với năm 2017) và tỷ lệ doanh nghiệp chi trên 50 triệu đồng cho hoạt động quảng bá trực tuyến mới chiếm 11% (tăng 3% so với năm 2017.

Xét trong nhóm 5 thành phố trực thuộc Trung ương thì dẫn đầu về tỷ lệ doanh nghiệp chi trên 50 triệu đồng cho hoạt động quảng bá trực tuyến vẫn là Hà Nội (22% doanh nghiệp chi trên 50 triệu đồng) và thành phố Hồ Chí Minh (18%).

Nhìn chung trong vòng bốn năm trở lại đây, xu hướng quảng cáo trực tuyến thông qua hai nền tẳng là mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm đang tăng trưởng mạnh vượt qua các phương thức cũ, đặc biệt là mạng xã hội với tỷ lệ đánh giá hài lòng của người dùng đang tăng cao và chưa có dấu hiệu chững lại.

Hai thành phố là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn có sự nhỉnh hơn đáng kể so với các thành phố Trung ương còn lại trong việc đánh giá hiệu quả của các công cụ tiếp thị trực tuyến.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.