Đây là thông tin được bà Kaya Qin - Giám đốc vận hành Lazada Việt Nam chia sẻ, khi nói về chiến lược phát triển của sàn thương mại điện tử này trong thời gian tới. Và ví điện tử này sẽ được phát triển trên nền tảng độc lập với ứng dụng thanh toán Alipay - đã được Alibaba triển khai ở Việt Nam.
Về cách thức, người dùng sẽ nạp tiền vào ví điện tử của Lazada Việt Nam, sau đó dùng số tiền trong ví để thanh toán khi mua hàng trên sàn Lazada, nhờ đó các bước mua hàng sẽ nhanh chóng hơn.
Bà Kaya Qin cho biết, hiện việc triển khai ví điện tử này còn khá mới mẻ, do đó, Lazada Việt Nam chỉ đang thử nghiệm ở quy mô nhỏ. Tuy nhiên, trong tương lai, phía Lazada sẽ tìm kiếm đối tác thứ ba để điều hành mảng ví điện tử.
Tại Đông Nam Á, Lazada đã có mặt ở 6 quốc gia và cũng đã triển khai mô hình thanh toán qua ví điện tử một số thị trường. Tháng 4 năm ngoái, Lazada Malaysia đã ra mắt ví điện tử Lazada cho phép người dùng thanh toán bằng một cú nhấp chuột.
Lazada kỳ vọng sẽ tăng lượng đơn hàng giao dịch không tiền mặt, hướng tới mục tiêu tăng tính an toàn và đơn giản hóa quy trình giao nhận từ phía các dịch vụ logistics, cũng như từ phía người tiêu dùng. Nhân viên giao hàng sẽ không cần phải mang theo tiền mặt, và khách hàng sẽ không cần phải chuẩn bị chính xác số tiền như đơn đặt hàng.
Hiện tại, thị trường ví điện tử Việt Nam đang ghi nhận nhiều phản ứng tích cực, trong đó, số lượng người dùng liên tục tăng cao, tiềm năng cạnh tranh lớn của một số thương hiệu Việt trong bức tranh chung, trước sự tham gia của các sản phẩm quốc tế.
Theo đó, ví điện tử được xây dựng và đem ra thị trường không chỉ là một sản phẩm tiện ích, thực tế mà còn là công cụ mang đến cảm giác thú vị, thời thượng khi thanh toán so với quy trình truyền thống.
Sở hữu tốc độ tăng trưởng nhanh và tương đối ổn định, nhiều khả năng thị trường này sẽ chạm “điểm vàng” trong thời gian ngắn sắp tới. Dự đoán này càng được củng cố thêm khi “Đề án phát triển việc thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%, gián tiếp đưa ví điện tử trở thành một trong những hình thức thiết yếu trong quan hệ thanh toán tiêu dùng.