Theo báo cáo, số lượng tên miền đuôi “.vn” chiếm 55%, đuôi “.com.vn” chiếm 29%, còn lại là các đuôi phổ biến: “edu.vn”, “id.vn”, “io.vn”, “gov.vn”, “net.vn”... Tổng số tên miền quốc gia vượt hơn 630.500, nâng thứ hạng toàn cầu của Việt Nam sáu bậc so với năm 2020.
“Con số này phản ánh sự chuyển mình tích cực của cộng đồng, hướng tới việc tận dụng tối đa giá trị của tên miền quốc gia “.vn” trong môi trường số," báo cáo cho biết.
Tại ASEAN, Indonesian đứng hạng nhất với hơn một triệu tên miền. Malaysia xếp thứ ba với hơn 313.000, sau đó là Singapore với gần 200.000. Các nước còn lại trong khối dao động 1.300 - 120.000. Trên thế giới, ba quốc gia đứng đầu là Trung Quốc, Đức và Anh, đều có lượng tên miền quốc gia vượt trên 10 triệu.
Lượng tên miền quốc gia “.vn” nêu trên đạt trên 63% so với kế hoạch giai đoạn 2024-2025, theo Quyết định số 36/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tên miền “.vn” là thương hiệu quốc gia và Việt Nam đặt mục tiêu 2025 đạt một triệu tên miền “.vn”.
Báo cáo khẳng định tên miền “.vn” có nhiều lợi ích như khẳng định sự hiện diện trực tuyến, tăng cường sự tin cậy doanh nghiệp vì được nhà nước bảo hộ, hỗ trợ chuyển đổi số, thúc đẩy công nghiệp nội dung số, tối ưu chất lượng truy cập Internet, nâng cao chỉ số chuyển đổi số (DTI) và thương mại điện tử (EBI) địa phương. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng tên miền “.vn” đóng góp vào sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử nội địa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thương mại trong nước.
Đối với công tác quản lý nhà nước, việc tăng cường sử dụng tên miền quốc gia “.vn” là điều kiện tiên quyết để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các dịch vụ công trực tuyến, giúp đẩy lùi các hành vi lừa đảo, giả mạo trên không gian mạng, góp phần vào sự phát triển an toàn, ổn định của Internet Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ VNNIC, phần lớn các vi phạm trên không gian mạng hiện nay (chiếm trên 83%) đến từ việc sử dụng tên miền quốc tế.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết tỷ lệ sử dụng tên miền quốc gia .vn cho website của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam còn thấp, chỉ khoảng 25% trong 900.000 doanh nghiệp toàn quốc thống kê năm 2023. Trong khi đó, trung bình ở châu Âu là 75%; ở Đức, tỷ lệ hiện diện của doanh nghiệp trên Internet lên đến 95%. Tại châu Á, Ấn Độ có khoảng 31-53%, Hàn Quốc 68-79%, Indonesia là 30-54%, theo một báo cáo năm 2022.
Ngoài ra, theo Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông, tuy chiếm 75% thị trường bán lẻ và đáp ứng 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân, chợ truyền thống đang ngày càng giảm bớt thị phần. Do đó, để đáp ứng xu hướng tiêu dùng ngày càng cao về sự tiện lợi, nhanh chóng, việc bán lẻ truyền thống cần dịch chuyển lên môi trường số.
“Website có thể tích hợp và dẫn liên kết tới các nền tảng bán hàng khác mà không bị lệ thuộc vào chính sách và thuật toán của mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử…Trang web tin cậy, chuyên nghiệp sẽ giúp tạo lập được niềm tin với khách hàng”, báo cáo nêu.
Trên tinh thần của Quyết định số 36, Chương trình thúc đẩy phổ cập tên miền quốc gia “.vn” đến năm 2025 ra đời theo quyết định số 826/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về. Chương trình hướng tới thúc đẩy nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh sử dụng tên miền “.biz.vn”, người dân từ 18-23 tuổi dùng “id.vn”, đi kèm chính sách miễn phí 2 năm sử dụng tên miền và các dịch vụ số đi kèm (website, email).
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu đạt một triệu tên miền quốc gia .vn, chiếm 60% tên miền sử dụng tại Việt Nam. Việt Nam đứng thứ nhất ASEAN, thuộc nhóm 10 nước dẫn đầu châu Á, nhóm 20-30 nước dẫn đầu thế giới về tên miền.