Dịch vụ “tiền di động” Mobile Money không chỉ là mảng kinh doanh mới mà còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế không dùng tiền mặt, bởi vậy hơn một năm nay, MobiFone đã đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng cả về cơ sở hạ tầng và kỹ thuật để chờ ngày được cung cấp dịch vụ này.
Chính thức cho thí điểm Mobile Money
Tại Nghị quyết 84 ban hành mới đây, Thủ tướng đã đồng ý cấp phép thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Như vậy, sau một thời gian chờ đợi, người dân đã sắp có thể dùng điện thoại di động để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ mà không cần phải có tài khoản ngân hàng.
Các dịch vụ chính của Mobile Money gồm thanh toán (giao dịch bán lẻ, thanh toán hóa đơn), chuyển tiền, giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản, nộp và rút tiền tại đại lý (của các nhà mạng)…
Thống kê hiện nay, cả nước còn khoảng 50% người dân chưa có tài khoản ngân hàng, do vậy khi dịch Mobile Money chính thức có mặt trên thị trường, người dân sẽ có thêm một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện, thay vì phải trực tiếp đến các cơ sở của ngân hàng thực hiện giao dịch, hoặc trong trường hợp dùng ví điện tử thì buộc phải có tài khoản ngân hàng.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nhiều lần nhấn mạnh, nếu dịch vụ Mobile Money được cấp phép cho các nhà mạng thì vùng phủ dịch vụ thanh toán điển tử sẽ nhanh chóng đến 100% người dân, qua đó sẽ thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hóa nông nghiệp, nhất là vùng sâu vùng xa, đồng thời thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, các công ty đổi mới sáng tạo, giúp tăng trưởng kinh tế.
Hiện chỉ tiêu tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn còn cao so với mục tiêu đã đề ra, việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thanh toán điện tử trong thương mại điện tử còn thấp… Chính vì vậy, nhiều chính sách về đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua đã được ban hành.
Với những chủ trương trên, dịch vụ Mobile Money được xem là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt, ngoài ra dịch vụ này cũng được đánh giá là “lực đẩy” để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, chuyển đổi số.
MobiFone đã sẵn sàng nhập cuộc
Thời gian qua, MobiFone đã, đang đầu tư, chuẩn bị mọi mặt để sớm có thể cung cấp dịch vụ Mobile Money tới người dùng sau khi dịch vụ này được cấp phép. Đặc biệt, việc sở hữu các điểm giao dịch rộng khắp cả nước nên MobiFone có thể phát triển và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, dịch vụ và đối tượng khách hàng, nhất là các khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng để tiếp cận với dịch vụ thanh toán hiện đại như Mobile Money.
Việc nhà mạng đang sở hữu hàng chục nghìn điểm giao dịch trên khắp cả nước (thay vì mở điểm giao dịch mới), do đó sẽ giúp giảm các chi phí xã hội để phát triển hệ thống các điểm giao dịch, mở rộng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện tại MobiFone cũng đã sẵn sàng kết nối với các điểm chấp nhận dịch vụ thanh toán, cùng với kinh nghiệm triển khai các dịch vụ số nên có thể dễ dàng cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán trên hạ tầng điện tử, đây chính là tiền đề mở rộng dịch vụ và phục vụ khách hàng tốt nhất.
Ngoài những lợi thế nền tảng trên, nhà mạng này còn chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật, công nghệ, chính sách nhằm bảo đảm an toàn, bảo mật tránh gây lộ lọt thông tin của khách hàng.
Cụ thể như giải pháp hệ thống phải đảm bảo theo tiêu chuẩn của hệ thống công nghệ thông tin ngành ngân hàng, đảm bảo hoạt động liên tục, đảm bảo theo tiêu chuẩn PCI DSS, các giao dịch phải được mã hóa và xác thực, các dữ liệu nhạy cảm của khách hàng được mã hóa, lưu trữ toàn bộ lịch sử giao dịch, số dư tài khoản của khách hàng, ban hành các chính sách an toàn thông tin theo cấp độ.
Việc định danh, xác thực (KYC) khách hàng bên cạnh việc được thực hiện tại các điểm kinh doanh, nhà mạng còn sử dụng các công nghệ hiện đại như AI, sinh trắc học để tự động định danh và xác thực khách hàng, so sánh các thông tin định danh khách hàng cung cấp với cơ sở dữ liệu thuê bao MobiFone, đảm bảo KYC chính xác khách hàng.
Việc sớm cung cấp dịc vụ Mobile Money không chỉ giúp hàng chục triệu thuê bao của nhà mạng này có cơ hội sư dụng một phương thức thanh toán hoàn toàn mới, cho các giao dịch giá trị nhỏ, đặc biệt là với lớp khách hàng ở nông thôn, vùng sâu vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng và tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại, đồng thời cũng là cơ sở để MobiFone hỗ trợ các hoạt động chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
“MobiFone xác định việc nhanh chóng triển khai cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Mobile Money là một phần quan trọng trong tổng thể chiến lược của MobiFone nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở rộng lĩnh vực kinh doanh ngoài viễn thông, phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử, thanh toán, tài chính…”, Đại diện nhà mạng này nhấn mạnh.