Theo đó, chỉ ít ngày sau khi những người dùng đầu tiên nâng cấp lên Windows 11, đã xuất hiện thông tin lỗi phần cứng nghiêm trọng, có thể dẫn đến hỏng hóc hoặc giảm hiệu năng của máy.
Dell và HP được "gọi tên"
Theo Windows Report, người dùng cần thận trọng khi cài đặt phiên bản Windows mới, đặc biệt đối với laptop thương hiệu Dell và HP. Trên một số cộng đồng mạng xã hội, xuất hiện thông tin máy bị hỏng sau khi lên đời.
"Về cơ bản tôi phải thay thế chip BIOS trên Dell Inspiron 7569 của mình. Ban đầu tôi nghĩ rằng ổ cứng bị hỏng, nhưng không, Windows 11 đã xóa BIOS", một người dùng cho biết.
Trên diễn đàn Reddit, nhiều người cảnh báo chủ nhân laptop Dell và HP chưa nên nâng cấp Windows 11. Lý do là hệ điều hành mới dường như can thiệp sâu vào BIOS - một chương trình được nhúng vào phần cứng máy tính, có nhiệm vụ khởi động, kiểm tra linh kiện và nạp hệ điều hành - gây ra sự cố treo máy.
Chưa rõ nguyên nhân đằng sau vấn đề nghiêm trọng này. Tuy nhiên, theo mô tả của những người dùng bị ảnh hưởng, có vẻ Windows 11 "ép" BIOS cập nhật phiên bản mới, đôi khi quá trình này sẽ gây ra lỗi hệ thống, khiến máy không thể khởi động.
Một số người may mắn hơn, BIOS trên máy tự động được sửa lỗi sau khoảng 15-20 phút và quá trình cài đặt hoàn tất suôn sẻ. Các trường hợp kể trên đều rơi vào những máy tính đã được Windows kiểm tra, đáp ứng yêu cầu phần cứng để nâng cấp.
Chưa tương thích với vi xử lý AMD
Một ngày sau khi Microsoft phát hành Windows 11 trên phạm vi toàn cầu, AMD cảnh báo người dùng vi xử lý của hãng tạm thời chưa nâng cấp lên phiên bản mới.
Trong tài liệu hỗ trợ khách hàng, AMD xác nhận hiệu suất của một số CPU sẽ "thay đổi" trên Windows 11. Hãng đang tích cực hợp tác với Microsoft để giải quyết sự cố. Bản cập nhật sửa lỗi sẽ được phát hành ngay trong tháng này.
Cụ thể, có 2 vấn đề xảy ra đối với máy tính dùng một số dòng CPU AMD sau khi nâng cấp lên Windows 11. Đầu tiên là độ trễ của bộ nhớ cache L3 tăng cao bất thường, khiến cho hiệu năng chung giảm từ 3-5%, thậm chí lên đến 10-15% khi chơi game. Các ứng dụng liên quan đến tốc độ truy xuất vào hệ thống có thể bị tác động rõ rệt.
Vấn đề thứ 2 liên quan đến UEFI, một hệ điều hành tối giản nằm trên phần cứng và firmware của máy tính (chính là phiên bản nâng cấp của BIOS). Theo AMD, UEFI CPPC2 có thể không sắp xếp ưu tiên chạy các luồng xử lý trên lõi nhanh nhất của CPU sau khi nâng cấp lên Windows 11. Điều này khiến cho những ứng dụng nặng, cần nhiều sức mạnh của vi xử lý, bị ảnh hưởng xấu.
AMD không công bố tên chi tiết của những dòng CPU bị ảnh hưởng bởi 2 lỗi này, riêng vấn đề với UEFI, hãng xác nhận chỉ gặp ở các model 8 nhân và TDP 65 W trở lên.
Ngoài các sự cố nghiêm trọng nói trên, với yêu cầu vi xử lý mới và chip TPM 2.0, hàng loạt người dùng đang mắc kẹt lại Windows 10 dù sở hữu thiết bị có cấu hình mạnh.
Riêng thị trường Trung Quốc, máy tính ở quốc gia này được trang bị chip bảo mật TCM, không tương thích với TPM 2.0. Vì vậy, người dùng phải chờ động thái thay đổi điều kiện phần cứng từ Microsoft.