Theo Engadget, Bộ Thương mại Mỹ cho biết khoản tài trợ sẽ hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn trong nước và thúc đẩy sự đổi mới, đồng thời tạo ra việc làm được trả lương cao trong cộng đồng trên khắp đất nước. Hơn một nửa (khoảng 28 tỉ USD) trong quỹ CHIPS sẽ được dành cho việc thúc đẩy sản xuất chip logic và bộ nhớ ở Mỹ bằng cách sử dụng các quy trình tiên tiến nhất hiện có. Bộ Thương mại Mỹ có kế hoạch giải ngân số tiền này thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản vay, số tiền này sẽ được sử dụng để xây dựng và mở rộng các cơ sở sản xuất, thử nghiệm, lắp ráp và đóng gói chip.
Chính quyền ông Joe Biden tìm cách đưa công nghệ sản xuất chip hiện đại về với Mỹ
Chính phủ Mỹ cũng đang tìm cách tăng cường sản xuất chip cũ hơn. Khoảng 10 tỉ USD sẽ dành cho việc chế tạo chất bán dẫn cho ô tô, công nghệ truyền thông, thiết bị y tế và quốc phòng, cũng như các lĩnh vực thương mại quan trọng khác. Trên hết, Bộ Thương mại Mỹ cho biết 11 tỉ USD tài trợ sẽ dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D).
Bộ Thương mại Mỹ có kế hoạch bắt đầu nhận đơn vào đầu tháng 2.2023. Họ cho biết các khoản vay và tài trợ sẽ được cung cấp trên cơ sở luân phiên ngay khi họ có thể xử lý, đánh giá và thương lượng các đơn đăng ký một cách “có trách nhiệm”. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói Bộ có thể bắt đầu giải ngân quỹ ngay vào mùa xuân năm sau.
Có thể chính phủ Mỹ sẽ cần một vài năm trước khi sản lượng chip trong nước tăng lên đáng kể vì cần thời gian để xây dựng hoặc mở rộng các tấm bán dẫn. Tác động của Đạo luật CHIPS hứa hẹn sẽ giúp giải quyết các vấn đề có thể phát sinh trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vấn đề Đài Loan - nơi có hơn 2/3 chất bán dẫn tiên tiến nhất được chế tạo.