Mỹ yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok

Tạp chí Nhịp sống số - Nếu ByteDance không thoái vốn, thì TikTok sẽ phải đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ, theo The Wall Street Journal.

Chính quyền của Tổng thống Biden đang yêu cầu các chủ sở hữu của TikTok thoái vốn trong nền tảng chia sẻ video này, theo The Wall Street Journal. 

Cụ thể, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) vừa yêu cầu ByteDance bán cổ phần trong TikTok, sau hơn hai năm đàm phán nhưng vẫn không thuyết phục được Washington rằng ứng dụng video ngắn này không gây rủi ro an ninh quốc gia. Nếu ByteDance không thoái vốn, thì TikTok sẽ phải đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ, theo giới thạo tin. 

Động thái này thể hiện một sự thay đổi lớn trong chính sách của chính quyền, vốn đã bị chỉ trích bởi một số đảng viên Cộng hòa rằng họ không đủ cứng rắn để giải quyết mối đe dọa an ninh được cho là từ TikTok.

CFIUS có thẩm quyền đề xuất thoái vốn vì ByteDance đã mua lại Musical.ly - một công ty có sự hiện diện đáng kể ở Mỹ và sau này đã sáp nhập vào TikTok.

Mỹ yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok
Nikkei Asia dẫn nguồn thạo tin cho biết, ByteDance đang nghiên cứu các giải pháp khả thi để tránh phải bán TikTok. 

Đây không phải là lần đầu tiên ByteDance nhận được yêu cầu tách khỏi TikTok. Năm 2020, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ban hành hai sắc lệnh hành pháp. Một phần là cấm TikTok ở Mỹ nhưng đã bị thẩm phán liên bang chặn vào năm đó và bị Tổng thống Joe Biden thu hồi vào năm 2021. Phần còn lại yêu cầu ByteDance thoái vốn tại Mỹ và xóa tất cả dữ liệu người dùng ở Mỹ, dẫn đến yêu cầu thoái vốn hiện tại từ phía CFIUS.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này với Nikkei Asia, người phát ngôn của TikTok cho rằng nếu Mỹ đặt mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia trong vụ việc này, thì việc thoái vốn không giải quyết được vấn đề.

"Thay đổi quyền sở hữu sẽ không áp đặt bất kỳ hạn chế mới nào đối với luồng dữ liệu hoặc quyền truy cập. Cách tốt nhất để giải quyết lo ngại về an ninh quốc gia là bảo vệ dữ liệu và minh bạch về hệ thống dữ liệu của người dùng Mỹ, có trụ sở hoạt động của công ty tại Mỹ, với sự giám sát, kiểm tra và xác minh mạnh mẽ của bên thứ ba mà chúng tôi đang triển khai", người này nói. 

Từ góc nhìn khác, bà Caitlin Chin - thành viên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - cho rằng lời kêu gọi thoái vốn đột ngột có thể phản ánh những diễn biến gần đây ở Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada. Hơn nữa, TikTok cũng sẽ khó tìm được người mua.

Theo bà Chin, đó là do thị trường truyền thông xã hội của Mỹ bị chi phối bởi một số công ty lớn, nên ngay cả khi một đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Meta hoặc YouTube muốn mua TikTok, thì điều đó cũng có thể làm dấy lên lo ngại về vấn đề chống độc quyền.

TikTok cho biết đang triển khai chương trình có tên Dự án Texas (Project Texas) để tăng cường bảo mật dữ liệu cho người dùng ở Mỹ, bao gồm cả việc chuyển tất cả dữ liệu của người dùng ở Mỹ sang hệ thống đám mây Oracle Cloud. Ngoài ra, quyền truy cập của nhân viên tại Trung Quốc vào dữ liệu của Mỹ "phải tuân theo một loạt biện pháp kiểm soát an ninh mạng chặt chẽ và các giao thức phê duyệt ủy quyền do nhóm bảo mật có trụ sở tại Mỹ của TikTok giám sát".

Có thể bạn quan tâm

Keysight Technologies vừa cùng Credo Semiconductor thiết lập một cột mốc mới khi cùng nhau phát triển một nền tảng thử nghiệm chung, có thể đo lưu lượng Ethernet lớp 2 với tốc độ đường truyền toàn phần đạt 1,6 terabit (T) đầu tiên trên thị trường.