Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) tổ chức ngày 18/12 qua phương thức trực tuyến với 68 điểm cầu.
Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và đông đảo các doanh nghiệp, đại diện các Hội, Hiệp hội, các cơ quan chuyên trách về chuyển đổi số, công nghệ số.
Với tinh thần chiến binh, Bộ TT&TT sẽ nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao
Nhận định về những chuyển dịch quan trọng của thế giới trong 10 năm tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đến 3 sự thay đổi: Công nghệ trở thành lực lượng sản xuất cơ bản. Nhân tài trở thành nguồn lực cơ bản và đổi mới trở thành động lực cơ bản.
“Trước đây, chúng ta thường nói khoa học công nghệ là lực lượng sản xuất, thì nay là lực lượng sản xuất cơ bản. Trước đây chúng ta nói nhân lực là nguồn lực, nay chúng ta nhấn mạnh tài năng, nhân tài là nguồn lực cơ bản. Trước đây, chúng ta nói đổi mới sáng tạo là động lực phát triển, thì nay đổi mới là động lực cơ bản. Cả 3 yếu tố công nghệ, nhân tài và đổi mới sáng tạo, với lĩnh vực CNTT, công nghệ số, càng có ý nghĩa quyết định. Ba yếu tố đó với ngành của chúng ta là công nghệ số, nhân tài số, chuyển đổi số” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Người đứng đầu ngành TT&TT cũng khẳng định, ngành luôn tạo ra những thách thức mới cho chính mình để từ đó vươn lên và cũng luôn sẵn sàng nhận những nhiệm vụ mà Thủ tướng sẽ giao. “Với tinh thần chiến binh, chúng tôi xin nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.
Tuyên bố 2023 sẽ là năm dữ liệu Việt Nam, Bộ trưởng cho biết: Tinh thần của năm là bảo vệ dữ liệu cá nhân; công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành, địa phương; mở dữ liệu để kết nối chia sẻ; an toàn dữ liệu. Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp về năm dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu Việt Nam. Tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số.
Năm 2023, Bộ TT&TT cũng sẽ tập trung vào các kết quả thực chất trong các lĩnh vực quản lý của Bộ. Đó là, đo lường và kiểm soát chất lượng dịch vụ bưu chính; giải quyết triệt để SIM rác và thương mại hóa 5G; nâng cao tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến được xử lý thực chất; nâng số lượng tài khoản sử dụng trên nền tảng số Việt Nam tăng thêm 50%; xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về doanh nghiệp công nghệ số. Trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông, đó là bảo đảm sự tuân thủ luật pháp Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới, giải quyết vấn đề tư nhân hóa báo chí, báo hóa trang tin, mạng xã hội.
Bộ cũng sẽ mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi mở cõi. Nhà nước mở đường, người đi trước kéo người đi sau để thế giới biết đến Việt Nam.
“Năm 2023 là năm dữ liệu số Việt Nam và còn là năm chuyển đổi số sẽ mang lại những giá trị vững chắc. Năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số, năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số, năm 2022 là tổng tiến công về chuyển đổi số, còn năm 2023 sẽ là năm chuyển đổi số đem lại những giá trị thực chất”, Bộ trưởng khẳng định.
Thủ tướng: Chuyển đổi số toàn diện để người dân hưởng thụ nhiều thành quả
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, lĩnh vực truyền thông có vị trí quan trọng và ngày càng cần thiết; truyền thông là đi đầu chứ không phải đi theo và là một trong những động lực truyền cảm hứng cho sự phát triển và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận những kết quả mà Bộ TT&TT đã đạt được và lưu ý các vấn đề Bộ TT&TT cần tập trung như: Hoàn thiện thể chế về công tác truyền thông, chuyển đổi số, công nghệ, quản lý Nhà nước…
“Việc xây dựng thể chế được thực hiện trong bối cảnh chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi. Do đó, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm với tinh thần “không cầu toàn, không nóng vội”, nhưng cần phải thực hiện nhanh chứ không để kéo dài. Phấn đấu hoàn thành phủ sóng toàn diện và bao trùm đến vùng sâu, xa biên giới hải đảo để mọi người dân ở mọi miền đất nước đều được hưởng thụ mọi dịch vụ viễn thông”, Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh tới vai trò dữ liệu, Thủ tướng yêu cầu phải tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, chú trọng cập nhật, xử lý dữ liệu thường xuyên, liên tục bởi dữ liệu là tài nguyên đặc biệt, cần phải lưu trữ, chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách an toàn, bảo mật, khoa học, hiệu quả, tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân. Hoan nghênh Bộ TT&TT lấy năm 2023 là năm dữ liệu quốc gia, Thủ tướng lưu ý phải thực hiện bằng được mục tiêu này với tinh thần “Đúng - Đủ - Sạch - Sống”. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TT&TT phải đẩy mạnh kết nối hạ tầng số đồng bộ hiện đại, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; tập trung vào phát triển hạ tầng số trong năm 2023; thương mại hoá mạng 5G; phát triển bưu chính thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia.
Thủ tướng cũng lưu ý Bộ TT&TT cần thúc đẩy kinh tế số để phục vụ người dân doanh nghiệp, tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến; Thúc đẩy TMĐT, tăng tỷ trọng kinh tế số trong GDP, thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số phát triển trong nước và vươn ra thế giới; Tăng cường các biện pháp bảo vệ người dân, bảo vệ an toàn thông tin cho trẻ em trên môi trường mạng; tạo lập niềm tin số trên môi trường mạng.
Đặc biệt, Thủ tướng kêu gọi chung tay chuyển đổi số lành mạnh, an toàn, bình đẳng, người dân được tiếp cận chuyển đổi số bao trùm và toàn diện, được hưởng thụ thành quả chuyển đổi số. Đổi mới sáng tạo là do con người, đổi mới sáng tạo phải tập trung vào chuyển đổi số và phải có hạ tầng, con người và kết nối.
“Tôi tin rằng, với sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo Bộ; cố gắng của tập thể toàn ngành, tôi mong năm 2023 sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn. Các thành tựu có thể đong đếm, người dân có thể được hưởng thụ, đánh giá và ghi nhận”, Thủ tướng nói.
Đáp từ phát biểu của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Những tồn tại, hạn chế Thủ tướng đã chỉ ra là động lực để Bộ TT&TT tạo ra sự đột phá trong năm 2023. Với tinh thần chiến binh, Bộ TT&TT sẽ hoàn thành những nhiệm vụ Thủ tướng đã giao, bao gồm 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và nhiệm vụ thực hiện công tác Đảng, chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức.
“Chuyển đổi số đã trở thành toàn dân, toàn diện”
Năm 2022, Chính phủ đã bổ sung thêm một số chức năng, nhiệm vụ cho Bộ TT&TT với tinh thần thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực kinh tế xã hội. Về tổng thể, tiến trình phát triển xã hội số được đẩy nhanh, người dân, doanh nghiệp lên môi trường số nhiều hơn bằng các nền tảng số Việt Nam. Tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GDP ngày càng tăng và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Mọi hoạt động của Chính phủ, phát triển Chính phủ số, đều hướng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Thông tin về những kết quả nổi bật của ngành trong năm qua, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết: Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam dần hồi phục sau đại dịch, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Tinh thần của năm 2022 chính là tổng tiến công về chuyển đổi số.
Lan tỏa kinh nghiệm tốt, cách làm hay về chuyển đổi số
Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân khẳng định: Trong bối cảnh hiện nay, các tờ báo Đảng cần giữ vững các giá trị cốt lõi của báo chí; phải chuyên nghiệp; công bằng và đa chiều; phải thẩm định thông tin, đạt chất lượng cao; giữ đạo đức nghề nghiệp; theo kịp các công nghệ truyền thông mới, ứng dụng các công nghệ hiện đại trong làm báo. Đồng thời, không ngừng đổi mới, tạo ra các thông tin mới mẻ; ứng dụng công nghệ và kinh doanh cũng như thể hiện trách nhiệm xã hội của mình.
Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh Lê Ngọc Hân giới thiệu điểm đột phá trong năm 2022 của tỉnh. Đó là việc thực hiện kết nối, thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và khai thác sử dụng 25 dịch vụ công thiết yếu. Quảng Ninh đã thực hiện số hoá thủ tục hành chính ngay từ khâu tiếp nhận và triển khai bóc tách dữ liệu để tiến tới quy trình “cung cấp một lần, sử dụng nhiều lần” tạo thuận tiện cao nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Là địa phương luôn dẫn đầu về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch chia sẻ: Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, Đà Nẵng đã xây dựng và phát triển nền tảng công dân số My Portal và được tích hợp trên ứng dụng di động DaNang Smart City. Nền tảng cho phép mỗi người dân có một kho dữ liệu số, sử dụng thông tin/dữ liệu của mình và sử dụng tất cả các dịch vụ, tiện ích số cũng như tương tác 2 chiều với chính quyền.
Ở góc độ doanh nghiệp đã vươn ra thị trường quốc tế, ông Nguyễn Viết Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty phần mềm Rikkeisoft cho biết ngay từ đầu Rikkeisoft chọn “Go Global” chứ không phải thị trường trong nước. Các doanh nghiệp Việt cần phải có sự tự tin với năng lực cạnh tranh của mình và có sự khoa học trong tư duy quản trị. Các doanh nghiệp cũng cần xây dựng văn hóa công ty gắn với thị trường mà mình cần chinh phục.