Netflix ngang nhiên triển khai dịch vụ, "bỏ qua" luật nước sở tại?

Netflix ngang nhiên triển khai dịch vụ,
Tạp chí Nhịp sống số - Dịch vụ truyền hình trực tuyến Netflix của Mỹ đã bất ngờ triển khai dịch vụ đồng loạt tại 130 quốc gia mới, nâng tầm phủ sóng toàn cầu của họ lên tới hơn 190 nước. Sau câu chuyện mở rộng thị trường của một doanh nghiệp, còn có những vấn đề pháp lý đang được đặt ra.

Netflix gây sốt với cả thế giới

Ngày 6/1 vừa qua, dịch vụ truyền hình trực tuyến Netflix của Mỹ đã bất ngờ triển khai dịch vụ đồng loạt tại 130 quốc gia mới, nâng tầm phủ sóng toàn cầu của họ lên tới hơn 190 nước, bao gồm Việt Nam.

Đáng nói là, liệu có hợp lý khi một tập đoàn công nghệ lớn ung dung kinh doanh tại hàng loạt quốc gia mà không cần phải tuân theo những điều luật được áp dụng chặt chẽ đối với các công ty nội địa?

Netflix "va" với các quy định pháp lý tại nhiêu nước

Việc Netflix bắt đầu cung cấp dịch vụ tại Việt Nam được ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí Xuất bản thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông, đánh giá là ”vi phạm pháp luật Việt Nam”. Theo ông, thậm chí khi Netflix đã được cấp phép, các nội dung mà dịch vụ này trình chiếu cũng phải được cơ quan có thẩm quyền kiểm duyệt trước nếu muốn được trình chiếu tại Việt Nam.

Ông Toàn cho biết thêm, nếu Netflix không tuân thủ pháp luật Việt Nam thì các cơ quan quản lý sẽ có biện pháp chế tài. Trong đó gồm biện pháp chặn việc cung cấp dịch vụ truyền hình qua mạng của công ty này tại Việt Nam.

Còn ở đảo quốc Singapore, tờ báo lớn nhất nước này là Straits Times đặt vấn đề đã đến lúc nước này cần phải cải tổ lại các quy định luật pháp trước sự xuất hiện của những dịch vụ như Netflix. Luật kiểm duyệt hiện hành của Singapore đang yêu cầu tất cả các cửa hàng băng đĩa và dịch vụ truyền hình phải tuân theo quy định khá chặt chẽ về nội dung và phân loại nhóm tuổi. Tuy nhiên, các biện pháp này lại chưa áp dụng cho dịch vụ trực tuyến. Vì vậy, nhiều công ty kinh doanh băng đĩa và truyền hình trả tiền tại Singapore bày tỏ lo ngại rằng các dịch vụ như Netflix đang được thiên vị.

Khi được phỏng vấn, Giám đốc mảng dịch vụ tại gia của Singtel là ông Goh Seow Eng cho biết: “Chúng tôi chỉ ủng hộ một sân chơi bình đẳng”.

Tại quốc gia láng giềng Malaysia, Bộ trưởng Truyền thông Datuk Seri Salleh Said Keruak, cho biết Netflix vẫn phải tuân theo các quy định về quản lý nội dung của Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC) và MCMC sẵn sàng có biện pháp xử lý vi phạm đối với Netflix. Ngoài ra, ông cũng cho biết đang xem xét đưa ra một dự luật yêu cầu các dịch vụ như Netflix phải xin giấy phép nếu muốn hoạt động tại Malaysia.

Tại Canada, nơi nằm sát sân nhà của Netflix và đang có gần 4 triệu người dùng dịch vụ này, kênh tin tức nổi tiếng CBC News cũng đặt ra câu hỏi: “Chúng ta có thể khiếu nại với ai về Netflix?”. Các kênh truyền hình ở đây đều được kiểm soát khá chặt chẽ bởi Ủy ban Truyền hình, Phát thanh và Viễn thông Canada (CRTC), nhất là về việc phải dành ra thời lượng phát sóng và đóng góp tài chính cho phim ảnh sản xuất tại Canada. Trong khi đó, các dịch vụ nội dung số của nước ngoài như Netflix lại gần như không chịu sự chế tài nào nhờ được miễn trừ theo một quy định đặc biệt.

Thậm chí, việc Canada có thể chế tài được Netflix tới đâu cũng chưa rõ, sau khi công ty này từ chối cung cấp thông tin cho CRTC về số người Canada sử dụng dịch vụ của họ vào năm 2014. Netflix đã không thừa nhận thẩm quyền pháp lý của CRTC, bất chấp việc cơ quan này đe dọa sẽ rút lại ưu tiên miễn trừ. Cuối cùng thì CRTC đã phải rút lui và câu hỏi cơ quan nào ở Canada có thể chế tài được Netflix vẫn chưa được giải quyết.

Vấn đề tương tự đã diễn ra ra tại Pháp, nơi có quy định khá nghiêm ngặt về tỉ lệ nội dung được sản xuất trong nước đối với các kênh truyền hình và phát thanh. Netflix đã “lách” được quy định này bằng cách hoạt động tại Pháp thông qua công ty con Netflix International BV có trụ sở ở Hà Lan, vốn cùng thuộc Liên minh châu Âu (EU) với Pháp. Tuy nhiên, chính vì điều này mà Netflix cũng gặp phải sự phản ứng quyết liệt từ giới sản xuất phim và ngành truyền hình tại Pháp.

Rắc rối tiền bạc

Không chỉ “gây chiến” về mặt quản lý tại nhiều quốc gia, Netflix còn tạo ra những tiền lệ khó xử liên quan đến yếu tố tài chính. Tại Ấn Độ, nhiều người đặt câu hỏi về phương pháp thanh toán của Netflix, vốn đang không tuân theo quy định của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI). Theo luật của RBI, các giao dịch mua sản phẩm hoặc dịch vụ của nước ngoài bằng thẻ tín dụng Ấn Độ buộc phải sử dụng chế độ xác thực 2 yếu tố (2FA) để bảo mật thông tin, cũng như phải được xử lý giao dịch thông qua một ngân hàng Ấn Độ. Tuy nhiên, hệ thống thanh toán trực tuyến của Netflix lại không hề dùng 2FA và đang được xử lý giao dịch tại Hà Lan hoặc Singapore.

Trước đây, dịch vụ vận chuyển Uber cũng từng gặp rắc rối tương tự với RBI và buộc phải ngưng nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng tại Ấn Độ trong vòng 8 tháng liền trước khi thay đổi quy chế hoạt động.

Ngoài ra, việc Netflix không dùng cơ chế bảo mật 2FA cũng làm dấy lên cảnh báo từ nhiều chuyên gia an ninh mạng. Theo các nghiên cứu của McAfee Labs và TechInsider cuối năm ngoái, nhiều tài khoản Netflix đang bị hacker rao bán lại với giá chưa tới 1 USD.

Một câu hỏi không nhỏ khác đối với Netflix chính là về vấn đề thuế. Tại Úc, hồi tháng 5.2015, Bộ trưởng Tài chính khi đó là ông Joe Hockey đã thông báo về việc áp dụng thuế giá trị gia tăng GST 10% đối với các công ty dịch vụ số nước ngoài như Netflix kể từ tháng 7.2017. Với biệt danh “thuế Netflix”, dự luật này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ từ các Bộ trưởng Tài chính của các tiểu bang khắp nước Úc.

Theo giải thích của ông Hockey, sẽ là không công bằng khi các công ty dịch vụ nước ngoài không phải tính thuế GST. Hệ thống thuế hiện đã đối xử không công bằng với các doanh nghiệp đang sử dụng người lao động Úc và đóng góp vào nền kinh tế Úc. “Chúng tôi sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Úc thông qua việc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm kỹ thuật số nước ngoài cũng phải chịu thuế GST”, ông nói.

Ðến tháng 8.2015, láng giềng của Úc là New Zealand cũng đã tuyên bố áp dụng một luật tương tự. Ở Nhật, từ tháng 10.2015, mức thuế 8% đối với các dịch vụ số từ nước ngoài cũng đã bắt đầu có hiệu lực.

Trong khi đó, tại Anh, một cuộc điều tra của tờ Sunday Times vào tháng 12 vừa qua cho thấy chi nhánh Netflix tại đây đã không hề đóng một đồng thuế doanh nghiệp nào trong năm 2014. Hiện tại, Anh là thị trường lớn thứ nhì của Netflix sau Mỹ với 5 triệu khách hàng và doanh thu hằng năm lên tới 200 triệu bảng Anh.

Để né thuế tại Anh, Netflix đã sử dụng thủ thuật chuyển hết lợi nhuận sang Netflix International BV đặt tại Hà Lan, vốn là một trong những “thiên đường thuế” hàng đầu châu Âu. Do đó, trong khi chi nhánh Netflix tại Anh báo cáo thua lỗ thì Netflix International BV lại lãi tới 16,4 triệu USD trong năm 2014. Sau khi Sunday Times công bố kết quả điều tra, đại diện của Netflix tại Anh đã cho biết rằng họ đang trong “chế độ thua lỗ” do cần phải mở rộng liên tục và hứa sẽ đóng thuế doanh nghiệp năm 2015.

Có lẽ, việc Netflix né thuế ở Anh cũng không phải điều gì quá bất ngờ, vì họ đã và đang làm chuyện đó ngay tại sân nhà Mỹ. Chuyên gia nghiên cứu về thuế Matt Gardner của Viện ITEP đã phân tích các thủ thuật giảm thuế của Netflix và phát hiện ra rằng công ty này gần như không trả một đồng tiền thuế nào trong giai đoạn 2013-2014, bất chấp việc thu về lợi nhuận 159 triệu USD trong năm 2013.

Riêng tại bang Maryland, show truyền hình ăn khách nhất của Netflix là House of Cards với nội dung kể về chính trị gia xảo trá Frank Underwood đã được hưởng các khoản ưu đãi về thuế lên tới gần 38 triệu USD. Ông Gardner bình luận: “Các thủ thuật về thuế của Netflix đủ để cho Frank Underwood cảm thấy hoàn toàn tự hào”.

Có thể bạn quan tâm