Ngành PM Việt Nam: Nhìn lại những chặng đường “thiên lý”

Ngành PM Việt Nam: Nhìn lại những chặng đường “thiên lý”
Tạp chí Nhịp sống số - Câu chuyện hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam được nhắc đến nhiều khi gắn với TPP và AEC. Nhưng trước đó, các doanh nghiệp CNTT- Viễn thông Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vươn ra các thị trường nước ngoài, với những thành công bước đầu đáng được ghi nhận.

Từ thị trường chiến lược Nhật Bản

Ngành PM Việt Nam: Nhìn lại những chặng đường “thiên lý”

Theo số liệu của Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO), trong các ngành công nghiệp đầu tư vào Nhật Bản từ Việt Nam, số liệu các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT cao nhất với 9 doanh nghiệp trong 5 năm vừa qua. Trong tương lai gần, sẽ còn nhiều công ty phần mềm vừa và nhỏ của Việt Nam đầu tư và thành lập công ty/văn phòng tại Nhật. Đây là xu hướng và là cách đầu tư hiệu quả cao cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam muốn phát triển kinh doanh với các đối tác Nhật Bản.

Mới đây, khảo sát của vụ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản (VJC) cho thấy,  các doanh nghiệp Việt Nam đang hợp tác với các đối tác Nhật đều tăng trưởng tốt, mức tăng trưởng trung bình là 77%, đặc biệt có những doanh nghiệp tăng 300-400% như công ty RikkeiSoft, Unitech, Tinh Vân… Các nội dung hợp tác tiềm năng: Gia công phần mềm và dịch vụ, BPO, Phát triển ứng dụng mobile và điện toán đám mây. Số lượng người làm việc cho các dự án của Nhật trong 6 tháng đầu năm 2015 tăng 46.5% so với năm 2014.

Có thể nói, Nhật Bản là thị trường thu hút sự tham gia sôi động nhất của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam trong những năm gần đây.

Ngoài Nhật Bản, trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã và đang mở rộng kinh doanh, đưa sản phẩm, giải pháp phần mềm của Việt Nam sang các nước trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Cambodia. Một số doanh nghiệp tiêu biểu phải kể đến như: FPT IS, MISA, ViniCorp,  Tinh Vân…. Đặc biệt, mới đây, FPT IS đã vượt qua 5 nhà thầu quốc tế đến từ Anh, Pháp, Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc và Luxembourg để triển khai dự án Cung cấp triển khai và bảo hành, bảo trì hệ thống ứng dụng quản lý thuế VAT (IVAS) cho cơ quan thuế Bangladesh trị giá 33,6 triệu USD. Đây là hợp đồng CNTT theo dạng “chìa khóa trao tay” lớn nhất từ trước đến nay của nước này.

Cần có sự liên kết, hợp tác ngành chặt chẽ hơn nữa

Theo PGS.TS Trương Gia Bình – Chủ tịch VINASA, ngay từ khi thành lập, hiệp hội đã ý thức rõ được việc liên kết với các tổ chức CNTT nước ngoài nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam, qua đó trợ giúp đắc lực cho các doanh nghiệp trong nước khi vươn ra quốc tế.

Tiếp nối những năm trước, trong năm 2015, VINASA cũng đã tiến hành hàng loạt những hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế. Điển hình là những lần tham dự các triển lãm, hội nghị lớn về CNTT và phần mềm như: Triển lãm Cebit 2015 tại Đức, Triển lãm Sodec 2015 tại Nhật Bản, Ngày CNTT Nhật Bản 2015, Ngày CNTT Việt Nam tại Nhật Bản 2015 v.v…Ngoài ra, VINASA trong năm 2015 cũng đã xúc tiến ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với những tổ chức CNTT uy tín của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

Đặc biệt là Chương trình “40 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2015” tổ chức tháng 10/2015 vừa qua là một trong những chương trình tiêu biểu để xúc tiến và thúc đẩy hợp tác quốc tế này. Đây là chương trình xúc tiến kết nối toàn cầu thông qua phối hợp với các tổ chức đối tác quốc tế song phương và đa phương của VINASA như Hiệp hội công nghiệp điện toán Châu Á, Châu Đại Dương (ASOCIO) với 22 quốc gia và nền kinh tế trong khu vực, Liên minh CNTT Thế giới (WITSA), tổ chức CNTT toàn cầu, chiếm trên 90% thị trường CNTT thế giới với thành viên tại 92 quốc gia và nền kinh tế trên toàn thế giới.

Vị lãnh đạo VINASA cũng khẳng định, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tận dụng uy tín quốc tế của Hiệp hội để triển khai mạnh mẽ những chương trình xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn ra thị trường nước ngoài một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, một mình VINASA đóng vai trò cầu nối, xúc tiến thương mại cũng như quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra với thế giới là chưa đủ. Theo bà Nguyễn Thị Thu Giang – Phó Tổng thư ký VINASA: “Vai trò hỗ trợ những chương trình xúc tiến thương mại trong lĩnh vực CNTT của chính phủ cần phải thực hiện quyết liệt và liên tục hơn nữa nhằm đem đến thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam.”

 

 

Có thể bạn quan tâm

Vượt qua hơn 160 sản phẩm, giải pháp; BIDV Payment Hub được xướng tên ở hạng mục Top 10 Sao Khuê - giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ thông tin, được tổ chức bởi Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) và bảo trợ bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.