Nhân viên "hạnh phúc hơn" khi có thể làm việc từ bất cứ đâu

Nhân viên
Tạp chí Nhịp sống số - "Làm việc ở đâu không quan trọng, quan trọng là chúng ta làm những gì", đó là những nhận định tổng quan về mô hình làm việc kết hợp (hybrid working) trong nhiều doanh nghiệp, khi mà phúc lợi được cải thiện, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống... là những yếu tố giúp nâng cao hiệu suất của người lao động.

Theo một nghiên cứu mới được Cisco công bố, mô hình làm việc kết hợp (hybrid working) đã cải thiện phúc lợi tổng thể, cân bằng giữa công việc và cuộc sống và nâng cao hiệu suất của người lao động tại Việt Nam.

Theo đó, Báo cáo với tiêu đề "Người lao động đã sẵn sàng cho mô hình làm việc kết hợp, còn bạn?" được Cisco thực hiện dựa trên kết quả khảo sát 28.000 nhân viên từ 27 quốc gia, bao gồm hơn 1.050 người từ Việt Nam.

Riêng với Việt Nam, kết quả khảo sát cho thấy, 70% người được hỏi tin rằng chất lượng công việc đã được cải thiện; 67% người được hỏi cảm thấy năng suất của họ đã được nâng cao. Trên hết, 84% người tham gia khảo sát cho biết, dù làm việc từ xa, họ vẫn có thể đảm bảo hiệu quả công việc tốt như khi làm việc trực tiếp tại văn phòng. Tuy nhiên, chỉ có 37% người lao động Việt Nam cho rằng công ty của họ đã thực sự “chuẩn bị kỹ lưỡng” cho một tương lai làm việc kết hợp.

Theo bà Lương Thị Lệ Thủy - Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam, 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận công việc: Làm việc ở đâu không còn là yếu tố quyết định, mà quan trọng là chúng ta làm được những gì.

"Trong thời kỳ bình thường mới, người lao động và người sử dụng lao động tại Việt Nam đang được hưởng những lợi ích hữu hình từ mô hình làm việc kết hợp, từ việc cải thiện phúc lợi của người lao động cho đến gia tăng năng suất và hiệu suất công việc. Tuy nhiên, mô hình làm việc kết hợp không chỉ hỗ trợ việc quay trở lại văn phòng một cách an toàn. Các nhà lãnh đạo cần xem xét lại cách nuôi dưỡng một nền văn hóa hội nhập, đặt nhân viên cùng kinh nghiệm, sự gắn kết và phúc lợi của họ làm trọng tâm, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng mạng và an ninh bảo mật để mang đến cho nhân viên trải nghiệm làm việc xuyên suốt, an toàn và hội nhập", bà Lương Thị Lệ Thủy nhận định.

 BAEMIN Vietnam đã áp dụng mô hình làm việc kết hợp, cho phép nhân viên lựa chọn làm việc giữa nhà và văn phòng nhằm đảm bảo an toàn đối phó với COVID-19 - Ảnh: BAEMIN

Cùng đó, Nghiên cứu của Cisco đã đánh giá tác động của phương thức làm việc kết hợp tới 5 khía cạnh của phúc lợi: cảm xúc, tài chính, tinh thần, thể chất và gắn kết xã hội. Đa số (85%) cho rằng làm việc kết hợp và từ xa đã giúp nhiều khía cạnh thể chất của họ được cải thiện.

Thời gian làm việc từ xa đã cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho 88% người lao động tại Việt Nam. Lịch làm việc linh hoạt hơn (71%) và thời gian di chuyển giảm đi đáng kể hoặc không phải di chuyển (55%) đã góp phần cải thiện điều này. Hơn ¾ số người trả lời khảo sát (76%) tiết kiệm được ít nhất 4 tiếng mỗi tuần khi họ làm việc tại nhà và 31% đã tiết kiệm được 8 tiếng trở lên mỗi tuần.

Cùng đó, 89% người lao động Việt Nam cũng cho biết tình hình tài chính của họ đã được cải thiện với khoản tiết kiệm trung bình 178.093.000 đồng một nă m. Có 93% người được hỏi đánh giá tiết kiệm nhiên liệu và/hoặc chi phí di chuyển thuộc nhóm những khoản họ tiết kiệm được nhiều nhất, sau đó là giảm chi tiêu vào thực phẩm và giải trí (75%). Hơn 8/10 (89%) tin rằng họ có thể duy trì những khoản tiết kiệm này trong dài hạn và 82% sẽ cân nhắc tới những khoản tiết kiệm này khi họ có ý định chuyển việc.

Ngoài ra, 86% người trả lời tin rằng sức khỏe thể chất của họ đã được cải thiện khi làm việc từ xa. Tương tự, 88% cho biết làm việc kết hợp đã có tác động tích cực tới thói quen ăn uống của họ.

Đa số (91%) cho biết làm việc từ xa đã giúp củng cố các mối quan hệ gia đình và 61% số người được khảo sát nhận thấy các mối quan hệ với bạn bè của họ đã trở nên tốt đẹp hơn.

Với nhận định “Làm việc kết hợp là xu hướng của tương lai”, 76% người lao động tại Việt Nam cho biết họ muốn có sự kết hợp hài hòa giữa mô hình làm việc kết hợp từ xa và tại văn phòng trong tương lai, so với mô hình làm việc hoàn toàn từ xa (19%) và hoàn toàn tại văn phòng (4%).

Tuy nhiên, các phong cách làm việc khác nhau có thể ảnh hưởng đến sự hòa nhập và gắn kết. Hơn 7 trong số 10 (72%) người Việt Nam được hỏi tin rằng hành vi quản lý vi mô ngày càng xuất hiện nhiều khi triển khai làm việc kết hợp và làm việc từ xa. Việc nhà quản lý thiếu tin tưởng vào hiệu suất làm việc từ xa của nhân viên là một vấn đề đáng quan ngại trong trải nghiệm làm việc.

Có thể bạn quan tâm