Cuộc chiến với Covid-19 vẫn chưa dừng lại. Bên cạnh những phiền toái, buồn khổ, xót xa... là những thông tin tích cực về bổ sung vaccine, về số người được điều trị thành công, ra viện mỗi ngày.
Từ Bệnh viện dã chiến số 16, Bác sĩ Ngô Đức Hùng đã cập nhật những thông tin như thế: "Những bước chân của những người đầu tiên đến nhập viện trong những ngày đầu tiên. Thế rồi họ trụ lại được và ngày hôm nay được đi 1 cách bình an trên chính đôi chân của mình, về nhà..."
Niềm vui từ những y bác sĩ "quần quật không biết ngày đêm là gì" khi chứng kiến các bệnh nhân được rời nơi điều trị đã lan tỏa thành hơn 15 nghìn lượt bày tỏ cảm xúc (thả tim, like) trên mạng xã hội Facebook sau status của Hùng Ngô.
Cùng đó là những dòng comment đầy quan tâm hỏi về cô bé thừa cân - một nhân vật trong series "Chuyện giờ mới kể"... Dõi theo em và các bệnh nhân bình phục ra về, ấy là niềm yêu thương và hy vọng của chúng tôi - những người bình thường chỉ có thể đồng hành cùng họ qua màn hình và bàn phím. Cầu mong tất cả các F0 đều bình an trở về như thế!
Và tiếp theo, là Chuyện giờ mới kể - Kỳ 4.
...
Xong ca làm việc, quần áo ướt sũng mồ hôi. Vết lằn của chiếc khẩu trang vẫn còn trên mặt không kịp tan cho đến tận ca làm việc mới, chồng chéo lớp nọ lên lớp kia, nghiến vào tai đau điếng.
Ngả đầu tựa vào cái ghế da trên xe đón về nhà nghỉ cũng chẳng cảm xúc gì, trong đầu chỉ có hình ảnh người bệnh thở và tiếng máy theo dõi phát ra thứ âm thanh đều đều đến nhàm chán nhưng không buồn ngủ. Tất cả chìm vào thứ yên tĩnh một cách đầy triết học như để dành sự chiêm nghiệm cho mỗi bộ não đang căng ra đếm lại những chi tiết vừa mới trải qua.
Bỗng ai đó lách chách buông câu vu vơ như muốn hỏi hay tự hỏi chính mình “hôm nay thứ mấy rồi nhở”. Ờ nhỉ, hôm nay là ngày mấy thứ mấy rồi?!
15 năm làm hồi sức cấp cứu, ngày ngày đối mặt với nhiều cái chết và đủ loại cái chết cũng không thể tưởng tượng được sự khắc nghiệt và chứng kiến nỗi đau chạm đến phần sâu nhất trong mỗi con người như thế.
Chuyến xe nhẹ tênh chở đầy những tâm tư trĩu nặng, lần đầu tiên chứng kiến cảnh bà chị la sát chảy nước mắt. Ai buồn thì cứ khóc đi, rồi hôm sau vào ca lại khua khoắng nhau hùng hục làm, lại gào thét như không có chuyện gì xảy ra cả.
Ngủ 1 giấc dài rồi xuống sảnh kiểm tra chất lượng số khẩu trang được tặng, phân loại từng món dùng vào vòng nào để bàn giao vào kho. Loại nào cũng hữu dụng, không dùng được vòng trong thì dùng cho vòng ngoài.
Anh quản lý khách sạn thấy có đứa loay hoay cả buổi đếm đếm vẽ vẽ liền ra bắt chuyện hôm trước có đoàn sinh viên cũng vào đây thương gì đâu chú ạ, vừa chân ướt chân ráo chưa kịp làm gì đã bị người ta chửi. Ờ, nhưng đấy là chửi trên facebook chứ các cô chú ở đây quý chúng nó lắm. Người dân người ta mang đồ đến ủng hộ quá trời luôn. Rồi có bạn bố mất đột ngột mà không về được, khóc. Các cô chú lễ tân ở đây cũng khóc. Lúc nào nó đi làm thì thắp hương thay nó liên tục vào cái ban thờ đặt trong khách sạn. Đến lúc cả đoàn chuyển đi còn dặn để tấm hình ba vào ba lô mà đeo sau lưng chứ đừng để vali mà tội con nhé.
Ừ đấy, mất mát luôn khiến mọi con đường trở nên u tối, nhưng chính những vòng tay yêu thương sẽ khiến con người trở nên mạnh mẽ hơn. Và có 1 chân lý rằng, lòng tốt luôn tồn tại khắp nơi xung quanh mình.
Ngay ngày đầu tiên tất cả đều choáng váng vì không tưởng tượng nổi mức độ nặng và đông đến thế. Rồi chết. Đi buồng, béo phì và rối loạn chuyển hóa rất nhiều. Có cô bé không nhìn thấy cổ đâu, ngồi hì hục thở cả đêm không nằm nổi. Đồng nghiệp bảo ngoại cỡ thế này, cổ ngắn đường thở khó chẳng có dụng cụ nào vừa được, nếu loay hoay đặt không kịp nó chết anh ạ. Mình thở dài cố gắng hết sức trong khả năng của mình thôi chứ biết làm sao được.
Ngày nào cũng thấy nó ngồi vắt ngang cái giường, đã được dựng lên như chiếc ghế, không dám ngủ, sợ nằm xuống sẽ không dậy được nữa. Lá phổi bé tí phải gánh cả khối lượng cơ mỡ khổng lồ, bình thường thôi đã quá tải nói gì đến lúc nó viêm. Cuộc chiến tranh giành sự sống lúc ấy mới thực sự là điều khủng khiếp. Phải chứng kiến người bệnh chết dần luôn là áp lực lớn nhất cho mỗi người điều trị. Nhưng vẫn phải cố gắng giúp cho những người còn lại, dù hết sức mong manh.
Thế rồi một ngày đi làm, kéo đống máy móc qua phòng có bệnh nhân ấy, nó vẫn ngồi vẹo lưng dựa vào bên giường và thở. Cặp sPO2 không thể tin nổi với con số 99%, lại tưởng nó hỏng. Kéo máy khác đo lại vẫn thế, thuốc đã kịp có tác dụng, người xung quanh lần lượt đi cả, còn lại mình nó.
...