Câu chuyện về những ngành học mới, vị trí công việc "hot" đó được đặt ra tại Hội thảo hướng nghiệp với chủ đề “Khi bạn là chuyên gia trong lĩnh vực của mình”, do Trường Đại học Phương Đông phối hợp cùng tổ chức giáo dục Mindchain Academy đồng tổ chức.
"Dừng lại tức là tụt hậu"
Mở đầu hội thảo, PGS.TS Nguyễn Minh Dân – Trưởng khoa CNTT&TT của Đại học Phương Đông - đã phát biểu khai mạc bằng một thông điệp mang tính “thức tỉnh” các sinh viên. Theo đó, PGS.TS Nguyễn Minh Dân nhấn mạnh: Mục đích của buổi Hội thảo chính là muốn các sinh viên có được sự định hướng rõ ràng, xuyên suốt quá trình từ học cho tới khi tốt nghiệp và đi làm, gia nhập thị trường lao động chất lượng cao.
Bên cạnh việc xác định rõ mục tiêu, mục đích của bản thân khi theo đuổi ngành nghề công nghệ, các bạn còn cần có sự chủ động về lộ trình học tập của mình, không dừng lại ở việc thu nạp các kiến thức từ giảng đường hay trong giáo trình.
“Công nghệ là ngành có tốc độ phát triển kinh khủng, dừng lại tức là tụt hậu. Cùng đó, ngành học nào cũng đòi hỏi các em phải có nhiều thực hành, va chạm với các tình huống thực tế để ứng dụng kiến thức và phát triển nhận thức, từ đó mới có cơ hội trở thành những chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể”, thày Nguyễn Minh Dân nói.
Tiếp mạch, ThS. Nguyễn Bảo Trung – một diễn giả trong chương trình - đã có phần giới thiệu khái quát về thị trường nhân lực ngành công nghệ, những nhu cầu và yêu cầu cụ thể cho các vị trí chuyên về công nghệ mới… Đây là cơ hội lớn để các sinh viên có thể bắt nhịp ngay với thị trường lao động bằng cách lựa chọn từ những ngành học mới.
Chia sẻ thực tiễn công việc, diễn giả Hoàng Thị Hồng Hạnh –chuyên gia về Kiểm thử (Tester) đến từ Tinhvan Group, một cưu sinh viên của trường – cũng mang đến câu chuyện về nghề Kiểm thử phần mềm (Tester) một cách chi tiết và sinh động.
“Để gắn bó với nghề, bạn không chỉ cần giỏi chuyên môn, mà còn có các tố chất phù hợp. Đó là nghề của những người cực kỳ kiên nhẫn và tỉ mỉ, với sự tưởng thưởng không chỉ là đãi ngộ từ doanh nghiệp mà còn là niềm phấn khích, sự tự hào khi “bắt” được lỗi code”, chị Hồng Hạnh cho biết.
Đồng tình với các quan điểm trên, diễn giả Trần Mạnh Trường - Viện CNTT (Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam) cũng mang đến một “bí kíp” là các sinh viên nên sớm tham gia vào các dự án thực tế để vừa thực hành vừa nâng cao trình độ trong quá trình làm việc với những người giỏi hơn, có kinh nghiệm hơn.
Ngành học mới ở những vùng "giao thoa" giữa công nghệ và chuyên môn
Không chỉ độc lập với tư cách ngành Khoa học máy tính, CNTT giờ đây đã hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Môi trường ứng dụng công nghệ đó, sự giao thoa giữa công nghệ và nghiệp vụ chuyên môn đó dẫn đến nhiều vị trí công việc, nhiều ngành học mới ra đời, như Truyền thông đa phương tiện, Thương mại điện tử, Trí tuệ nhân tạo ứng dụng…
Vì là những nhóm ngành học mới, nên sự phối phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp để xây dựng khung chương trình, cung cấp đầy đủ các kiến thức cơ bản, kiến thức nâng cao cho sinh viên là vô cùng cần thiết.
Trong đó, Truyền thông Đa phương tiện (TTĐPT) chính là ngành học ứng dụng Công nghệ thông tin trong việc sáng tạo, thiết kế và phát triển những sản phẩm, dịch vụ đa phương tiện và tương tác cho các lĩnh vực truyền thông (quảng cáo, truyền hình …), kinh doanh (marketing, thương mại điện tử …), giáo dục (đào tạo trực tuyến, thực tại ảo …), giải trí (trò chơi điện tử, phim, âm nhạc …). Việc đến với TTĐPT được ví von là “học một ngành rành nhiều nghề”.
Chia sẻ thêm về công việc thú vị này, diễn giả Nguyễn Thanh Trà - Giám đốc truyền thông CTCP Chứng khoán DNSE – cho rằng một tố chất không thể thiếu với những người làm ngành này chính là năng lực sáng tạo. Dù bạn làm với doanh nghiệp ở quy mô nào, trong lĩnh vực nào, công việc này luôn có những thách thức mới mà bạn cần chinh phục bằng sự sáng tạo và những kỹ năng chuyên môn luôn cập nhật theo thời đại. Đổi lại, tại hầu hết các đơn vị tuyển dụng chế độ đãi ngộ, môi trường để phát triển bản thân cho các nhà sáng tạo, các nhà phát triển nội dung đa phương tiện đều khá tốt… so với mặt bằng chung.
Các chức danh mà một người học về TTĐPT có thể “chọn sẵn” cho mình cũng khá đa dạng: Chuyên viên Truyền thông doanh nghiệp, Chuyên viên sáng tạo nội dung, Quản trị các kênh truyền thông trực tuyến, Biên tập viên quảng cáo, Giám đốc sản xuất, giám đốc sáng tạo, Nghiên cứu, giảng dạy về Truyền thông đa phương tiện tại các cơ sở đào tạo…
Không kém phần hấp dẫn là ngành Thương mại điện tử (TMĐT) - ngành học mới đào tạo cử nhân kinh tế có kiến thức về lĩnh vực kinh tế và nền tảng về công nghệ thông tin, có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về thương mại điện tử. Theo các chuyên gia, ngành TMĐT đã và đang là một ngành nghề cực kỳ tiềm năng, hứa hẹn sự bùng nổ hơn nữa trong tương lai.
Thị trường đang chứng kiến sự phát triển với tốc độ cao của ngành TMĐT. Theo báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện, Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế số cao nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2022, với sự đóng góp chính từ TMĐT (tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm ngoái).
“Với tốc độ phát triển đó, nguồn nhân sự cho ngành này chắc chắn sẽ tăng chóng mặt...” - diễn giả Nguyễn Trung Kiên, admin cộng đồng người bán Shopee 320 nghìn thành viên cho biết - “Người nhạy bén, năng động thì sẽ luôn nhìn ra cơ hội trên thị trường mua bán trực tuyến còn rất nhiều dư địa này”.