Cần "Biết mình, hiểu nghề" khi chọn ngành học

Cần
Tạp chí Nhịp sống số - Nhận định trên được đưa ra tại Tọa đàm hướng nghiệp với chủ đề “Ngành nghề mới ở Việt Nam, nhân lực sẽ đón đầu hay chờ đợi?”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động Tư vấn hướng nghiệp – Tuyển sinh năm 2022 của Đại học Phenikaa.

Đừng "đánh cược" khi chọn nghề, chọn trường

Theo PGS.GS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, nếu các bạn trẻ chỉ chọn ngành "hot", hay học cho bố mẹ vui... mà không chuẩn bị kỹ năng, không có thái độ nghiêm túc và tích cực với công việc thì cũng không thể có được những thành tựu trong nghề nghiệp. 

"Mỗi người có ước mơ riêng, phải dựa trên sở thích, sở trường, năng lực bản thân... kết hợp tham khảo các yếu tố khác như: nhu cầu xã hội, cơ hội phát triển nghề nghiệp, rồi mới quyết định. Đừng "đánh cược" cuộc đời mình trong việc lựa chọn ngành nghề", PGS.GS Nguyễn Phú Khánh nói.

PGS.GS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa

Theo thầy, đa phần các em học sinh chưa có trải nghiệm nên chưa có góc nhìn đa chiều. Vì thế, cần tìm đến những người đi trước để có thông tin, và tận dụng các cơ hội để thực hành, trải nghiệm trước... Để hỗ trợ điều này, Đại học Phenikaa có chương trình cho phép học sinh THPT đăng ký trải nghiệm thử, tìm hiểu trường cũng như các khoa, ngành... giúp các em có thêm thông tin khi lựa chọn.

Cùng đó, ông TS Hà Minh Hoàng - Phó Trưởng khoa CNTT, Giám đốc Công ty CP Chuyển đổi số Phenikaa (PDT) cũng nhận định về thực trạng của ngành CNTT, một ngành với nhiều vị trí công việc “hot” được các bạn trẻ yêu thích.

“Khác với nhiều lĩnh vực khác, ngành CNTT không hề “thừa thầy thiếu thợ” mà đang thiếu cả “thày” lẫn “thợ”. Công nghệ có tốc độ phát triển và thay đổi quá nhanh, vì nhiều lý do mà các trường đại học, cao đẳng rất khó cập nhật kiến thức - thậm chí không không thể theo kịp - để điều chỉnh, bổ sung vào chương trình đào tạo. Kéo theo đó là khó mời giáo viên, khó định dạng được những tiêu chí “đầu ra” cho sản phẩm đào tạo”, TS Hà Minh Hoàng cho biết. Vì vậy, khi lựa chọn ngành này, các bạn trẻ cần hiểu được lĩnh vực mình muốn theo đuổi (ví dụ như các công nghệ mới trí tuệ nhân tạo, blockchain, phân tích dữ liệu...) để lựa chọn môi trường đào tạo đáp ứng đầy đủ về chương trình và giáo viên. 

Bên cạnh đó, từ vị trí của người mang “2 vai” - vừa đào tạo vừa sử dụng nhân sự, ông Hoàng cho rằng, các bạn trẻ không nên đổ xô vào học CNTT một cách vội vàng mà nên có sự cân nhắc, dựa trên thực lực và tố chất của chính mình, tránh tình trạng học 1-2 năm rồi lại tìm cách chuyển ngành vì không phù hợp, không yêu thích ngành nghề và công việc đó nữa. 

Hướng nghiệp sớm để tối ưu hóa lộ trình học tập

Các chuyên gia và đại diện sinh viên chia sẻ tại Tọa đàm

Chia sẻ tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, câu chuyện hướng nghiệp không chỉ dành cho các sinh viên mà còn cần tiếp cận ngay từ các bậc phụ huynh. 

“Cha mẹ nào cũng muốn con mình học hành giỏi giang, vào được những trường đại học danh tiếng, rồi kiếm được công việc tốt, có thu nhập hậu hĩnh… Đó là cái “đích đến” được hình dung, và nhìn vào đó con trẻ miệt mài học tập, cha mẹ miệt mài đầu tư. Nhưng, không ít vấn đề cụ thể khác đã bị bỏ qua: ngành học đó có phù hợp với tố chất của bạn trẻ hay không, khi tốt nghiệp thì ngành nghề đó có còn “đắt giá” hay không?... Chẻ nhỏ vấn đề hơn, lại có các tiêu chí chọn trường được cụ thể hóa theo từng gia cảnh, từng mục tiêu nghề nghiệp của sinh viên. Đây chính là những vấn đề mà chúng tôi đưa ra bàn luận, giải đáp trong buổi Tọa đàm này cũng như rất nhiều hoạt động hướng nghiệp trong thời gian tới”, PGS.GS Nguyễn Phú Khánh chia sẻ. 

Ông cũng nhấn mạnh, qua quá trình nghiên cứu dữ liệu, nắm bắt xu hướng của các ngành nghề cũng như những biến động trên thị trường tuyển dụng qua các giai đoạn, Trường đã có những dự báo tổng quan về đào tạo – tuyển dụng dài hạn để làm căn cứ cho việc mở ngành học mới, tuyển sinh, đào tạo và hỗ trợ thực hành cho sinh viên. Ngoài ra, Trường đã sớm hình thành mô hình gắn kết giữa Nhà trường – Viện nghiên cứu - Doanh nghiệp để tối ưu hóa lộ trình học tập – thực hành cho sinh viên; đào tạo theo “đặt hàng” doanh nghiệp; cung ứng cho thị trường những nhân sự đảm bảo chất lượng. Vì vậy, sinh viên Phenikaa luôn có cơ hội tham gia trải nghiệm và thực tập tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn hoặc đối tác của Trường.

Bổ sung cho ý kiến trên, ông Hoàng Hưng Hải - Giám đốc sản phẩm Qualcomm Việt Nam – cho biết: “Nhiều năm trở lại đây, chúng tôi đã có sự đồng hành với các trường đại học lớn qua những mô hình khác nhau như tài trợ phòng Lab, nhận sinh viên thực tập hoặc tư vấn về kiến thức mới cho chương trình đào tạo. Qua đó, có sự tiếp cận hai chiều giữa doanh nghiệp với các nhân sự trẻ tương lai”.

Đại diện Qualcomm cũng đánh giá cao mô hình “viện nghiên cứu trong trường” đang được Phenikaa áp dụng, qua đó tận dụng được nguồn lực, tri thức từ các doanh nghiệp đến với các sinh viên; đồng thời giúp các em sớm làm quen với những công nghệ mới nhất, trực tiếp trải nghiệm và tham gia nghiên cứu, xây dựng những sản phẩm ứng dụng công nghệ đó.

Đề cập đến câu chuyện tuyển dụng, bà Trần Lan Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phenikaa - đã chia sẻ những điểm trọng yếu mà các ứng viên cần lưu ý. Thông thường, các ứng viên sẽ được đánh giá theo 3 tiêu chí: Kiến thức, Kỹ năng và Thái độ. Có các kiến thức nền tốt, đáp ứng đúng theo lĩnh vực ứng tuyển là đương nhiên, nhưng để "ghi điểm" thêm hoặc làm căn cứ lựa chọn, thì các nhà tuyển dụng sẽ chú ý đến kỹ năng và thái độ của ứng viên. Với các bạn mới ra thường, nhà tuyển dụng sẽ không quá chú trọng đến kinh nghiệm mà tập trung vào 2 yếu tố trên. 

Trong số các kỹ năng, kỹ năng phản biện được đánh giá cao. Người biết lắng nghe, tìm cách phản biện và tập hợp được luận điểm phản biện sẽ tự học hỏi được rất nhiều từ chính quá trình đặt câu hỏi đó. Ngoài ra, khi phân tích thái độ của các ứng viên, nhân viên thử việc, nhà tuyển dụng sẽ nhìn nhận và đánh giá tinh thần ham học hỏi và sự nghiêm túc trong công việc..

“Xuất phát từ nhu cầu của Tập đoàn, chúng tôi cũng tìm hiểu các Báo cáo về thị trường lao động kết hợp với các khảo sát tự thực hiện. Theo đó, có thể thấy, bên cạnh các ngành có thế mạnh hiện nay, các ngành sẽ có nhu cầu phát triển mạnh trong thời gian tới là Marketing, Logistics, Quản lý chuỗi cung ứng… Cùng đó, lĩnh vực Y tế và chăm sóc sức khỏe cũng đang thiếu rất nhiều nhân sự, đặc biệt về Điều dưỡng viên và người làm về Dược. Đây là những nhu cầu gia tăng dựa trên sự phát triển của xã hội”, bà Phương cho biết.

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm