Nhiều nguy cơ bảo mật doanh nghiệp do "lơi lỏng" với thiết bị cá nhân

Tạp chí Nhịp sống số - Để giữ "hòa khí" với những nhân sự quan trọng, nhiều doanh nghiệp đã lỏng tay với các chính sách Bring Your Own Device (BYOD – Sử dụng thiết bị cá nhân cho công việc). Đây chính là sự mở đường cho nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Chính sách sử dụng thiết bị cá nhân cho công việc (Bring Your Own Device - BYOD) trong các doanh nghiệp cho phép nhân viên trong doanh nghiệp, tổ chức sử dụng thiết bị của họ cho các hoạt động liên quan đến công việc, như: truy cập email, kết nối với mạng công ty và truy cập các ứng dụng và dữ liệu của công ty... Ngày càng nhiều doanh nghiệp buộc phải áp dụng chính sách BYOD này, khi các phương thức làm việc từ xa dần quen thuộc và trở nên phổ biến hơn.

Trong số các thiết bị cá nhân có "đặc quyền" này, có lẽ phổ biến nhất là điện thoại thông minh, kế đến là máy tính bảng, máy tính xách tay và ổ USB cá nhân... 

Thiết bị cá nhân - những nguy cơ tiềm ẩn cho bảo mật doanh nghiệp

Theo hãng bảo mật Kaspersky, mặc dù phần mềm độc hại thường nhắm vào dữ liệu cá nhân, nhưng các tổ chức, doanh nghiệp với chính sách BYOD cần hết sức thận trọng, bởi nhiều nguy cơ tiềm ẩn ngày một tăng.

nguy cơ bảo mật doanh nghiệp do "lơi lỏng" với thiết bị cá nhân

Cụ thể, thống kê mới nhất từ Kaspersky cho thấy, số vụ tấn công từ phần mềm độc hại di động trong khu vực Đông Nam Á trong nửa đầu 2022 là 122.526, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (382.575), chưa bao gồm phần mềm quảng cáo (adware) và phần mềm gây hại (riskware). Tuy giảm về số lượng, nhưng mức độ nguy hiểm lại gia tăng. Đó là vì phần lớn các phần mềm độc hại này không chỉ gây ảnh hưởng nhiều trên smartphones, mà còn là một loạt hoạt động gây hại khác: từ đánh cắp thông tin, tải xuống và khởi chạy ứng dụng trên máy tính... cho đến backdoor dùng để thực hiện tấn công hoặc chiếm quyền kiểm soát toàn hệ thống. 

Riêng tại Việt Nam, tính đến cuối tháng 6/2022, số lượng phần mềm độc hại nhắm đến ngân hàng trên di động bị phát hiện và ngăn chặn tại Việt Nam là 208. Theo đánh giá từ Kaspersky, việc số lượng phần mềm độc hại trên di động giảm tại Việt Nam là một tín hiệu tốt cho thấy người dùng đã có nhận thức và quan tâm hơn về vấn đề bảo mật,nhưng doanh nghiệp cần xem xét chính sách về thiết bị cá nhân sử dụng cho công việc để ngăn chặn những mối nguy tiềm tàng.

Những "cửa ngõ" để đạo tặc bước vào doanh nghiệp

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều đơn vị đã áp dụng chính sách làm việc từ xa, cho phép nhân viên sử dụng thiết bị cá nhân nhằm đảm bảo hiệu suất và hoạt động của doanh nghiệp. Điều này đồng thời gia tăng các mối nguy về bảo mật, khi các thiết bị cá nhân này được truy cập vào hệ thống an ninh của doanh nghiệp, tổ chức nhưng không đáp ứng đa số tiêu chuẩn cơ bản về an toàn thông tin. Theo một cách nào đó, các thiết bị cá nhân đã trở thành một “cửa ngõ” để phần mềm độc hại truy cập vào mạng lưới của doanh nghiệp.

Thực tế, hầu hết doanh nghiệp đều đầu tư vào các giải pháp bảo mật để giữ an toàn cho toàn mạng lưới, cũng như thiết lập tường lửa để ngăn chặn truy cập không hợp pháp vào hệ thống. Tuy nhiên, việc mở quyền truy cập cho thiết bị cá nhân như smartphone, tablet đã cho phép chúng vượt qua tường lửa. Nếu máy bị nhiễm virus hoặc Trojan sẽ trở thành hiểm họa cho mạng lưới an ninh doanh nghiệp.

Hơn nữa, nhân viên cấp cao cũng dễ trở thành nạn nhân của khủng bố mạng. Vào năm 2020, Kaspersky đã phát hiện phần mềm do Transparent Tribe cài cắm vào điện thoại Android với mục đích do thám. Phần mềm này bị phát hiện tại Ấn Độ giả dạng ứng dụng liên quan đến khiêu dâm và ứng dụng quốc gia về COVID-19, có thể tải các ứng dụng mới xuống điện thoại, truy cập tin nhắn SMS, micrô, nhật ký cuộc gọi, theo dõi vị trí của thiết bị, đặt tên và tải tệp lên máy chủ bên ngoài từ điện thoại.

Transparent Tribe không phải là ví dụ duy nhất khi những chiến dịch tương tự cũng bị Kaspersky phát hiện trong nhiều năm qua, bao gồm GravityRAT, Origami Elephant và SideCopy.

Không chỉ vậy, chính sách BYOD còn buộc đội ngũ IT và an ninh mạng phải làm việc vất vả hơn để quản lý truy cập cũng như kiểm soát mối nguy xâm lấn từ đa nền tảng như Android, iOS, Symbian, BlackBerry… thay vì tập trung qua Windows hay macOS như cũ.

Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biết: “Những chuyên gia bảo mật của chúng tôi gần đây phát hiện các chiến dịch tấn công mạng gồm Harly, Anubis và Roaming Mantis. Harly là trojan chuyên bí mật đăng ký mua dịch vụ mà người dùng không hề hay biết. Trong khi đó, Anubis kết hợp Trojan ngân hàng trên di động với nhiều tính năng của mã độc tống tiền (ransomware) để rút nhiều tiền hơn từ nạn nhân. Roaming Mantis, một nhóm tội phạm mạng khét tiếng, lại đang tích cực nhắm mục tiêu đến cả người dùng Android lẫn iOS. Điều này cho thấy bất kể thiết bị nào mà chúng ta đang sử dụng, giới tội phạm mạng đều có thể lây nhiễm phần mềm độc hại để đánh cắp toàn bộ dữ liệu cũng như tiền bạc, hay có quyền truy cập để xóa sạch mọi tin nhắn, email, ảnh cá nhân hoặc các nội dung khác”.

Lãnh đạo Kaspersky Đông Nam Á cũng nhận định, chính sách làm việc kết hợp từ xa cho phép nhân viên truy cập vào hòm thư điện tử phục vụ công việc thông qua thiết bị cá nhân đã đồng thời mở ra rủi ro từ mức độ cá nhân tới rộng hơn là cấp doanh nghiệp, tập đoàn.

Để giúp doanh nghiệp bảo mật dữ liệu trong giai đoạn làm việc hậu Covid-19 với chính sách BYOD, các chuyên gia của Kaspersky khuyến nghị nên tăng cường chính sách bảo mật một cách tự động, cùng với danh sách những thiết bị cá nhân được cấp quyền truy cập vào dữ liệu doanh nghiệp để có thể ngăn chặn tức thời. 

Ngoài ra, cần có chính sách bảo mật hiệu quả trên mọi thiết bị, bất kể sử dụng nền tảng nào trong khi nhiều bộ công cụ bảo mật truyền thống cho doanh nghiệp không thể ứng dụng tính năng bảo mật trên smartphone hoặc tablet. Những nền tảng di động hiện nay như Android, iOS cần giải pháp hỗ trợ và quản lý tập trung, tương tự trên laptop.

Có thể bạn quan tâm