Nhiều tỉnh thành nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến nhờ mini app

Tạp chí Nhịp sống số - Việc áp dụng những cách làm mới để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích cho cả cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp...

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là khâu quan trọng trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử. Nhiều địa phương đã đổi mới hoạt động, linh hoạt ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này để phục vụ người dân tốt hơn. 

Thời gian qua, một số tỉnh thành như Tây Ninh, Lào Cai, Long An, Đắk Lắk, Kiên Giang... đã nhanh nhạy triển khai thủ tục hành chính và tiện ích công ngay trên điện thoại di động thông qua Zalo mini app. Việc triển khai này không chỉ bắt kịp làn sóng di động hóa đang phổ biến tại Việt Nam mà còn giúp đơn giản hóa các bước tiếp cận, giúp người dân ở nhiều độ tuổi và ngành nghề đều sử dụng dễ dàng. Qua đó, không chỉ mang đến tiện lợi cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số.

Xu hướng "di động hóa" trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến 

Theo đại diện Zalo, ưu điểm của mini app trên nền tảng Zalo là giao diện đơn giản, dễ sử dụng, yêu cầu người dùng với mức kiến thức và kỹ năng công nghệ tối thiểu. Người dùng không cần tải, cài đặt từng ứng dụng riêng lẻ hay đăng ký tài khoản mới. Thay vào đó, họ chỉ cần quét mã QR hoặc tìm kiếm tên ứng dụng trên Zalo là có thể bắt đầu sử dụng ngay các tiện ích được cung cấp.

Nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến nhờ Zalo mini app
Nhiều địa phương đã đổi mới hoạt động, linh hoạt ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này để phục vụ người dân tốt hơn

Trong khi đó, các cơ quan Nhà nước xây dựng mini app trên Zalo được xác thực, chống mạo danh; định danh xác thực người dùng; dễ dàng ứng dụng; kết nối các tính năng hữu ích khác trên Zalo; tiếp cận và kết nối với khoảng 75 triệu người dùng thường xuyên và đặc biệt là được hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp từ Zalo.

Đầu tháng 3/2023, Tây Ninh trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước ra mắt mini app “Tây Ninh Smart” trên Zalo. Phiên bản mini app “Tây Ninh Smart” trên Zalo cung cấp các tiện ích như: Nộp hồ sơ trực tuyến, phản ánh hiện trường, hỏi đáp trực tuyến, đăng ký cửa hàng 4.0, thanh toán học phí trực tuyến, xem truyền hình, radio trực tuyến, cập nhật tin tức tuyên truyền từ chính quyền địa phương…

Mini app “Tây Ninh Smart” kế thừa hầu như tất cả tiện ích số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì thế, ứng dụng nhỏ này đã nhanh chóng lập kỷ lục về tốc độ tăng trưởng. Qua khoảng 6 tháng triển khai ứng dụng mini app, số lượng người sử dụng đạt hơn 202.000 người, trong đó số lượng người sử dụng trên 45 tuổi là 80.000 người, chiếm gần 30% người dùng Tây Ninh smart.

Nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến nhờ Zalo mini app
Zalo mini app dễ sử dụng, phù hợp với mọi đối tượng người dùng, kể cả những đối tượng yếu thế về công nghệ

Trong khi đó, với phương châm đặt người dân và DN là trung tâm để nâng cao chất lượng phục vụ, tỉnh Long An triển khai Zalo mini app “Long An Số”. Theo ông Bùi Nguyên Khởi - Phó Giám đốc Sở TT&TT Long An, việc xây dựng mini app "Long An Số" trên nền tảng Zalo thúc đẩy phát triển xã hội số, tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên, giúp người dân được kết nối, tương tác và sử dụng các dịch vụ số.

Bên cạnh các tính năng để người dân tiếp cận các DVC, việc tích hợp "Sàn nông sản Long An" vào mini app được coi là bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, bởi không chỉ người dân được bổ sung một kênh tiếp cận nông sản an toàn mà chính DN nông sản cũng có thêm đầu ra mới.

Khi người dân ở đâu, chính quyền ở đó

Với đặc thù là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc nhất cả nước, việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các nền tảng số một cách đồng bộ cũng là một thách thức của tỉnh Đắk Lắk. Do vậy, khi tận dụng Zalo, nền tảng số quen thuộc, dễ sử dụng với đại đa số người dân, chính quyền tỉnh sẽ tiết kiệm được nguồn lực và thời gian tuyên truyền, hướng dẫn; đồng thời phát huy tối đa hiệu quả tương tác, xử lý yêu cầu giữa chính quyền và người dân.

Mới đây, ngày 06/10, tỉnh Lào Cai cũng đã cho ra mắt ứng dụng mini app “Lào Cai Số” trên nền tảng Zalo. Với quan điểm người dân ở đâu, chính quyền ở đó, trên cơ sở hơn 400.000 người dân Lào Cai sử dụng Zalo, mini app sẽ là một kênh tương tác thân thiện giữa người dân và chính quyền.

Cụ thể, phiên bản mini app “Lào Cai Số” trên Zalo hiện đã được tích hợp nhiều tính năng: Quét mã QR; liên hệ đường dây nóng; theo dõi tình hình thời tiết; nộp hồ sơ, tra cứu hồ sơ; theo dõi kết quả phản ánh; đọc báo, theo dõi tin nổi bật từ Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lào Cai, báo Lào Cai; xem truyền hình, theo dõi lịch phát sóng từ chức năng liên kết Truyền hình Lào Cai.

Ứng dụng nhỏ này cũng cho phép người dùng theo dõi hệ thống phản ánh hiện trường; kết nối đến Cổng chuyển đổi số của tỉnh và theo dõi tin tức, tài liệu cẩm nang chuyển đổi số tại chức năng liên kết One Touch. Người dân và khách du lịch cũng có thể sử dụng Zalo mini app “Lào Cai Số” để tìm kiếm địa điểm du lịch, lưu trú, ẩm thực, thông tin hữu ích về Lào Cai qua tính năng “Du lịch”.

 

Mới đây nhất, ngày 10/10 vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã chính thức ra mắt Zalo mini app “Đồng Nai Smart” sau 2 tháng thử nghiệm, đây được xem như một hoạt động nổi bật trong tuần lễ Chuyển đổi số của tỉnh. Cùng ngày, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia, Sở TT&TT tỉnh Kiên Giang cũng đã công bố đưa vào vận hành thử nghiệm Zalo mini app “Kiên Giang S” cung cấp loạt tiện ích công cho người dân trên địa bàn tỉnh. 

Có thể bạn quan tâm