Hiện nay, TikTok đã có hơn 1 tỉ người dùng, gấp đôi so với Snapchat và Twitter cộng lại, nhiều ngôi sao trên nền tảng này có thể kiếm được tới 5 triệu USD/năm. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của TikTok đã khiến nó rơi vào tầm ngắm của các nhà làm luật và bị giám sát chặt chẽ.
Theo báo cáo mới nhất của Datareportal, tính tới đầu năm 2023, TikTok đã có khoảng 49,86 triệu người dùng (từ 18 tuổi trở lên) tại Việt Nam, gần xấp xỉ con số 52,65 triệu người dùng Facebook Messenger.
Trong một tuyên bố trước đó, một phát ngôn viên của TikTok cho biết: "Giữ an toàn cho mọi người trên TikTok là ưu tiên hàng đầu. Trong phần Điều khoản dịch vụ và Nguyên tắc cộng đồng đã nêu rõ những gì không được chấp nhận trên nền tảng. Theo chính sách, chúng tôi không cho phép nội dung gây nguy hiểm cho sự an toàn của người khác, thúc đẩy tổn hại về thể chất hoặc bạo lực đối với phụ nữ. Hành vi được đề cập vi phạm nguyên tắc của chúng tôi và chúng tôi đã gỡ bỏ nội dung, tạm ngưng tài khoản và đang làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật khi thích hợp".
TikTok hiện đang bị chỉ trích liên quan đến việc kiểm duyệt, nội dung, cũng như khả năng gây ảnh hưởng thông qua thuật toán đề xuất.
Không khó để tìm thấy các video có thông tin độc hại, nhảm nhí chỉ với vài từ khóa đơn giản. Cụ thể khi tìm kiếm từ khóa “xem bói”, ngay lập tức bạn sẽ thấy xuất hiện hàng loạt video truyền bá nội dung mê tín dị đoan.
Trước đó, trên mạng xã hội cũng nổi lên đoạn video liên quan đến cô đồng T.H “đúng nhận sai cãi”, chuyên nhận xem bói về tình duyên, công danh, sự nghiệp… Không lâu sau, cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đã vào cuộc và xử phạt T.H 7,5 triệu đồng vì hành vi cổ xúy mê tín dị đoan.
Việc TikTok cho phép người dùng đổi tên thoải mái mà không cần xác minh đã khiến xuất hiện hàng loạt tài khoản giả mạo. Không ít bên đã giả mạo cơ quan chức năng, quân đội… đăng tải nội dung cắt ghép sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận.
Từ tháng 4 đến tháng 6/2021, TikTok đã xóa hơn 80 triệu video có nội dung độc hại do vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. 93% trong số những video này đã bị phát hiện và xóa trong vòng 24 giờ sau khi được đăng tải, 94,1% bị xóa trước khi có báo cáo của người dùng và 87,5% nội dung bị xóa trước khi chưa có lượt xem.
Quấy rối nói chung và ngôn từ hay hành vi thù địch nói riêng mang nhiều sắc thái khác nhau, phụ thuộc vào từng ngữ cảnh cụ thể, khiến việc phát hiện và kiểm duyệt một cách chính xác và kịp thời trở nên khó khăn hơn.
Mới đây, Bộ TTTT cũng đã thông báo về việc sẽ thanh tra toàn diện nền tảng TikTok tại Việt Nam trong thời gian tới.