Gã khổng lồ viễn thông này cho biết họ sẽ giảm chi phí cơ bản và tăng hiệu quả hoạt động để đối phó với “môi trường đầy thách thức”.
Hiện Nokia đang đặt mục tiêu cắt giảm chi phí trong khoảng từ 800 triệu euro (842,5 tỷ USD) đến 1,2 tỷ euro từ nay đến cuối năm 2026, điều này có nghĩa tập đoàn sẽ sa thải bớt số lượng nhân viên từ 86.000 lao động hiện tại xuống còn từ 72.000 - 77.000 người.
Kế hoạch cắt giảm lao động hàng loạt này được đưa ra sau khi Nokia báo cáo doanh thu ròng quý III/2023 đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 4,98 tỷ euro. Lợi nhuận của hãng trong giai đoạn này cũng giảm 69% so với cùng kỳ năm 2022 xuống chỉ còn 133 triệu euro.
Đầu năm nay, đối thủ của Nokia là Ericsson đã công bố kế hoạch sa thải 8.500 nhân viên, cũng là một phần trong kế hoạch cắt giảm chi phí.
Là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, Nokia đang phải đối mặt với những trở ngại từ sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu và việc cắt giảm chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của các nhà khai thác di động.
Được biết, Nokia đã bán đứt mảng kinh doanh điện thoại vào năm 2013, chuyển mình từ một hãng thuần kinh doanh điện thoại sang công ty chuyên kinh doanh cơ sở hạ tầng viễn thông. Tuy nhiên, khó khăn dường như vẫn đang tiếp tục đeo bám Nokia.
Doanh thu từ mảng kinh doanh mạng di động - bộ phận mang lại doanh thu lớn nhất cho Nokia - đã giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 2,16 tỷ euro. Lợi nhuận của mảng này cũng giảm 64% so với quý III năm 2022.
CEO Pekka Lundmark của Nokia cho biết doanh thu kém chủ yếu là do sự sụt giảm ở thị trường Bắc Mỹ. Đồng thời, doanh số bán hàng tại thị trường trọng điểm Ấn Độ cũng đang giảm tốc khi việc triển khai 5G được “tiêu chuẩn hóa”. Được biết, 5G là mạng di động thế hệ thứ 5 hứa hẹn tốc độ nhanh hơn và Nokia là một phần trong chương trình triển khai công nghệ của Ấn Độ.
Theo tin từ CNBC, nhiều nhà mạng cũng đã triển khai các biện pháp cắt giảm chi phí tại Mỹ trong năm nay, điển hình như Verizon và AT&T.
Tuy nhiên, dù kết quả quý III không mấy tươi sáng, Nokia vẫn kỳ vọng doanh thu ròng cả năm sẽ nằm trong khoảng từ 23,2 tỷ euro - 24,6 tỷ euro, đúng như dự báo được đưa ra trước đó.
“Tôi vẫn tin tưởng vào các động lực cơ bản cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi”, ông Lundmark nói và tin tưởng rằng “lưu lượng dữ liệu vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng, khi việc triển khai 5G vẫn chỉ mới hoàn thành khoảng 25% (ngoại trừ ở Trung Quốc) và các nhà mạng sẽ tiếp tục đầu tư. Các cuộc cách mạng điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ không xảy ra nếu không có sự đầu tư đáng kể vào các mạng lưới”.
Trước đó, ngày 18/10, đối thủ Ericsson của Thụy Điển đã công bố kết quả kinh doanh quý III, cho thấy doanh thu sụt giảm và cũng phải đối mặt với các vấn đề tương tự ở Bắc Mỹ.
Giám đốc điều hành của Ericsson, ông Borje Ekholm, cảnh báo rằng “sự không chắc chắn tiềm ẩn” ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh mạng di động của hãng này sẽ kéo dài đến năm 2024, gây nghi ngờ về khả năng phục hồi của các nhà sản xuất thiết bị viễn thông toàn cầu.
Với tình hình đó, Nokia cho biết sẽ chuyển sang một trung tâm doanh nghiệp tinh gọn hơn để tăng cường tập trung vào các vấn đề chiến lược, đồng thời bảo vệ chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, cũng như trao quyền tự chủ hoạt động nhiều hơn cho các đơn vị kinh doanh.
“Việc thiết lập lại cơ sở chi phí là một bước cần thiết để điều chỉnh sự không chắc chắn của thị trường, nhằm đảm bảo khả năng sinh lời và khả năng cạnh tranh lâu dài của chúng tôi”, ông Lundmark cho biết.