Phát động Chương trình TOP 10 Doanh nghiệp Công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2023

Tạp chí Nhịp sống số - TOP 10 Doanh nghiệp Công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2023 là "phiên bản" mới của Chương trình TOP 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam, đánh dấu một thập kỷ bình chọn và vinh danh các tên tuổi của ngành.

Hôm nay (27/6), Chương trình Chương trình TOP 10 Doanh nghiệp Công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2023 vừa được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam - VINASA phát động. 

Chương trình nhằm hưởng ứng chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam của Chính phủ, đồng thời được xem là "phiên bản" mới đánh dấu 10 năm triển khai Chương trình TOP 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam. 

Phát động Chương trình TOP 10 Doanh nghiệp Công nghệ số xuất sắc VN

Theo đó, Chương trình TOP 10 Doanh nghiệp Công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2023 sẽ lựa chọn và giới thiệu TOP 10 doanh nghiệp ICT trong 25 lĩnh vực, chia thành 6 nhóm: Các lĩnh vực truyền thống ngành CNTT; Các lĩnh vực ưu tiên Chuyển đối số; Các doanh nghiệp có năng lực về công nghệ mới; Các doanh nghiệp thương mại dịch vụ & sản xuất tiên phong triển khai công nghệ số; Các doanh nghiệp Startup số và Nhóm Xét bình chọn đặc biệt. 

Đại diện Ban tổ chức cho biết, với mục tiêu không chỉ bắt kịp với hơi thở của thị trường CNTT mà còn đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp CNTT, Chương trình TOP 10 Doanh nghiệp Công nghệ năm nay bổ sung 2 lĩnh vực mới. 

Cụ thể, lĩnh vực Top 10 doanh nghiệp tiên phong triển khai công nghệ số nhằm vinh danh các tập đoàn, doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế (Tiêu dùng, bán lẻ; Hoá mỹ phẩm; F&B; Công nghiệp; Thương mại, Dịch vụ; Sản xuất; Thông tin – truyền thông; Ngân hàng-Tài chính; Nông nghiệp…) đã đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng tốc phát triển,

Cùng đó, lĩnh vực Top 10 doanh nghiệp tư vấn giải pháp chuyển đổi số là "địa hạt" dành cho các doanh nghiệp, tổ chức đã xây dựng được đội ngũ và năng lực tư vấn chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Bên cạnh công tác bình chọn, vinh danh, Chương trình TOP 10 Doanh nghiệp Công nghệ số xuất sắc Việt Nam còn là cơ hội để quảng bá, kết nối hợp tác các doanh nghiệp CNTT – Truyền thông hàng đầu của Việt Nam với đối tác tiềm năng tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Qua đó góp phần trực tiếp củng cố uy tín, xây dựng hình ảnh nền ICT Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Phát động Chương trình TOP 10 Doanh nghiệp Công nghệ số xuất sắc VN
Bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA

Chia sẻ tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA cho biết: "Trong bối cảnh chung đang đặt ra nhiều khó khăn và thách thức, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác, hình thành các liên kết cùng nhau để nhanh chóng nâng cao năng lực tư vấn, triển khai chuyển đổi số, mở rộng thị trường quốc tế; hình thành các hệ sinh thái giải pháp số để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức trong nước chuyển đổi số. Chương trình Top 10 Doanh nghiệp Công nghệ số xuất sắc 2023 được kỳ vọng sẽ giải quyết được nhiệm vụ quan trọng này: vinh danh các điển hình, hình thành và tập hợp các liên kết, hệ sinh thái công nghệ số xuất sắc giới thiệu đến thị trường trong nước và quốc tế..."

Ban tổ chức cho biết, Chương trình Top 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2023 sẽ nhận hồ sơ đến hết ngày 28/7/2023. Các đề cử sẽ qua các vòng thẩm định, đánh giá và bình chọn. Thông tin chi tiết và đăng ký tại website chính thức của chương trình: https://top10ict.com.

 

Một thập kỷ tập hợp các DN ICT tiên phong, dẫn dắt thị trường

Chương trình TOP 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam là hoạt động thường niên do VINASA tổ chức từ 2014. Đây được xem là một trong những chương trình quy mô, bài bản nhất nhằm bình chọn, vinh danh các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ICT Việt Nam theo từng lĩnh vực, đồng thời giới thiệu tới các đối tác, khách hàng trong nước và quốc tế.

Năm 2013, doanh thu toàn ngành CNTT khi đó đặt gần 40 tỷ USD, trong đó công nghiệp phần mềm và nội dung số đạt hơn 2,7 tỷ USD, với gần 160,000 lập trình viên. Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam khi đó quy mô còn khiêm tốn, chỉ có 2 doanh nghiệp đạt quy mô trên 1.000 lao động. Với thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam khi đó chỉ tham gia được ở những công đoạn đơn giản lập trình (coding), kiểm thử (testing).

10 năm đã qua, thị trường CNTT Việt nam có một sự trưởng thành vượt bậc. Doanh thu CNTT 2022 là 148 tỷ USD tăng gần 4 lần, trong đó ngành phần mềm và dịch vụ CNTT khoảng 13 tỷ USD, tăng gần 5 lần, nhân lực hiện tại trên 300.000 lao động, tăng gần gấp 2 lần. Việt Nam đã có hơn 10 doanh nghiệp có quy mô trên dưới 1.000 nhân sự, và một lượng lớn các doanh nghiệp có quy mô từ 200 – 900 nhân sự. Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp hầu hết các nền tảng, dịch vụ, giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp, tổ chức trong nước. Đồng thời, Việt Nam luôn nằm trong top 10 các nước xuất khẩu dịch vụ CNTT, các doanh nghiệp có thể tham gia cung cấp các dịch vụ từ vấn chuyển đổi số đến triển khai, kiểm thử trong cả các lĩnh vực khó như: Ô tô (automotive), hàng không, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng… Các doanh nghiệp đã chuẩn bị và năng lực tốt trong hầu hết các công nghệ mới như: AI, IoT, Blockchain, Big Data, Cloud… Số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lên đến 70.000 doanh nghiệp.

Nhìn lại những dấu mốc ban đầu, khi VINASA triển khai chương trình bình chọn và vinh danh các doanh nghiệp CNTT xuất sắc lần đầu tiên năm 2014, chỉ chọn được 30 doanh nghiệp trong 2 lĩnh vực, gồm 19 doanh nghiệp phục vụ thị trường xuất khẩu và 11 doanh nghiệp phục vụ thị trường trong nước. Qua 9 năm tổ chức, chương trình mỗi năm chọn Top 10 doanh nghiệp công nghệ xuất sắc thuộc trên dưới 20 lĩnh vực, với 100 thương hiệu được giới thiệu. Cùng đó, chương trình đã lựa chọn và giới thiệu được 566 lượt doanh nghiệp; phát hành 93.000 ấn phẩm với 3 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật) đã được biên soạn và mỗi năm đều được gửi giới thiệu tới hơn 5.000 cơ quan, đơn vị trong nước, hơn 100.000 đối tác từ trên 100 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới trong mạng lưới hợp tác quốc tế của VINASA.

Qua 1 thập kỷ triển khai, không chỉ lựa chọn, giới thiệu tới thị trường những doanh nghiệp, thương hiệu uy tín, xuất sắc, Chương trình đã góp phần tập hợp lực lượng doanh nghiệp dẫn đầu, định hình, dẫn dắt thị trường CNTT Việt Nam. Qua đó, hình thành một thị trường đầy đủ, có năng lực, và đang gánh trách nhiệm tiên phong chuyển đổi số không chỉ Việt Nam, mà trên cả thị trường quốc tế.

Có thể bạn quan tâm

Tính đến ngày Chuyển đổi số quốc gia 2024 (10/10), Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đạt vùng phủ 4G đến 95% dân số, đáp ứng hoàn thành sớm nhất lộ trình tắt sóng 2G trên toàn quốc.