Thông tin trên được đề cập tại hội thảo “Phòng chống thông tin độc hại và lừa đảo trẻ em trên môi trường mạng” do Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC) phối hợp Trung tâm VNCERT/CC tổ chức.
Theo Báo cáo của Tổ chức ChildFund Việt Nam, có tới 76% trẻ em có xu hướng tìm kiếm và chấp nhận bạn mới trên mạng xã hội. Cũng theo số liệu thống kê của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm trên mạng. Các thông tin độc hại, lừa đảo trở thành nguy cơ tiềm ẩn, cạm bẫy khó nhận biết luôn rình rập các em trong khi đa số trẻ chưa có đủ kỹ năng để tự bảo vệ mình khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.
Theo ông Đặng Vũ Sơn – Phó chủ tịch VNISA, Nguyên trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, trẻ em đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, đặc biệt là việc tiếp cận với các thông tin độc hại và lừa đảo trên môi trường mạng. Thực trạng này đòi hỏi cần có các giải pháp ngăn chặn, làm trong sạch môi trường mạng để các em có thể sử dụng Internet an toàn, lành mạnh và hiệu quả.
Phó chủ tịch VNISA cho biết hội thảo chuyên đề lần này sẽ tạo ra diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia có thể trao đổi, chia sẻ thông tin; đưa ra các giải pháp cũng như kiến nghị, định hướng để cùng chung tay kiến tạo môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho thế hệ công dân số tương lai.
Theo bà Đinh Thị Như Hoa - Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm VNCERT/CC, Cục ATTT, Bộ TT&TT, các rủi ro mà trẻ em thường gặp nhiều nhất trên không gian mạng gồm có: tiếp cận thông tin không phù hợp; bị tiết lộ thông tin cá nhân; bị lừa đảo; bị nghiện Internet, game, mạng xã hội; bị dụ dỗ tham gia các hoạt động phi pháp.
Số liệu từ Cục An toàn thông tin cho thấy, lừa đảo trực tuyến nói chung đã tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, bà Hoa cảnh báo các hình thức phổ biến đó là: Lừa đảo tham gia các cuộc thi người mẫu; lừa đảo dụ dỗ chia sẻ hình ảnh nhạy cảm; lừa đảo dịch vụ lấy lại FaceBook; Lừa đảo việc làm lương cao, lừa đảo Deepfake.
Thời gian tới, công tác bảo vệ trẻ em sẽ tập trung vào 3 định hướng chính: Triển khai các hoạt động thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển các sản phẩm, dịch vụ để hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; Triển khai Hệ thống hỗ trợ ngăn chặn, đánh giá dữ liệu độc hại với trẻ em. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hướng tới các đối tượng: trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em.
Ông Ngô Tuấn Anh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ VCSC - cho biết: Phòng chống thông tin độc hại và lừa đảo trẻ em trên môi trường mạng là một trong những nội dung trọng tâm của Câu Lạc bộ kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động, với mục tiêu có thể cùng kết nối, chung tay xây dựng không gian mạng trong sạch, an toàn, hạnh phúc cho mọi trẻ em Việt Nam.
"Câu lạc bộ sẽ hướng tới xây dựng và vận hành hệ thống chia sẻ dữ liệu bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm bảo vệ trẻ em để VNISA ban hành và tổ chức đánh giá cấp chứng nhận. Đồng thời, tổ chức các hoạt động để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng chống thông tin độc hại, lừa đảo nói riêng cũng như bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường nói chung trong thời gian tới", ông Ngô Tuấn Anh cho biết.
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra phiên toạ đàm với chủ đề "Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng: Sự đồng hành của cha mẹ, nhà trường, các công ty công nghệ và cơ quan quản lý nhà nước”. Toạ đàm do ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo Cục trẻ em, Trung tâm VNCERT/CC; chuyên gia tới từ các tổ chức, doanh nghiệp như ChildFund Việt Nam, World Vision quốc tế tại Việt Nam, VNPT-IT và đại diện Trường THCS Lê Hồng Phong, Hải Châu, TP Đà Nẵng.