Tuần lễ Chuyển đổi số Quảng Ngãi 2023 diễn ra từ ngày 28/9 - 02/10/2023 với chủ đề “Dữ liệu số và liên kết vùng trong chuyển đổi số”. Đây là hoạt động do UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức, với sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Với nhiều hoạt động phong phú: 5 phiên hội thảo chuyên đề,3 Tọa đàm chuyên sâu, Triển lãm các giải pháp công nghệ số tiêu biểu, chương trình kết nối song phương cung cầu chuyển đổi số..., chuỗi hoạt động của sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 30 diễn giả, hơn 1.000 lượt đại biểu và đông đảo khách tham quan.
Quảng Ngãi quyết liệt chuyển đổi số
Quảng Ngãi có chỉ số chuyển đổi số tăng bậc mạnh nhất cả nước. Năm 2022, Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của Quảng Ngãi từ vị trí 60/63 năm 2021 tăng vọt 34 bậc lên vị trí 26/63 năm 2022. Theo đánh giá, trong 3 trụ cột DTI cấp tỉnh là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, Quảng Ngãi xếp thứ 17 về chính quyền số và kinh tế số, đứng thứ 15 về xã hội số. Tỉnh đã thành lập 1.141 Tổ Công nghệ số cộng đồng đến cấp thôn, tổ dân phố với sự tham gia của hơn 7.512 thành viên. Quảng Ngãi cũng đã đưa vào vận hành trung tâm IOC tỉnh hướng tới điều hành với mục tiêu là hệ thống nền tảng cốt lõi quan trọng, xây dựng trên nền tảng tiên tiến, kiểu mẫu, góp phần nâng cao công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp
Được biết, Quảng Ngãi đang xây dựng chiến lược Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với tầm nhìn vào Top20 địa phương Chuyển đổi số, kinh tế số chiếm 30% GRDP, 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu mở, 100% dịch vụ công cung cấp trực tuyến, 95% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, 95% dân số có hồ sơ sức khỏe. Trong đó, 6 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số là: Giao thông vận tải & logistic, Du lịch, Nông nghiệp, Giáo dục, Tài nguyên môi trường, Y tế.
Tuần lễ Chuyển đổi số Quảng Ngãi 2023 kỳ vọng sẽ có được những tham vấn, xây dựng chiến lược chuyển đổi số giúp phát huy tối đa các tiềm năng kinh tế của tỉnh, xây dựng nền tảng dữ liệu và cơ chế hợp tác chia sẻ để thúc đẩy kiến tạo các dịch vụ mới, các mô hình kinh tế mới. Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng hướng đến đưa công tác chuyển đổi số đến các cơ quan, doanh nghiệp một cách thực chất, hiệu quả thông qua các chương trình tư vấn chuyển đổi số, chia sẻ kinh nghiệm, và trải nghiệm các giải pháp số.
Chuyển đổi số làm đòn bẩy phát huy thế mạnh Nông nghiệp & Du lịch
Phiên toàn thể diễn ra sáng 28/98 đã tập trung vào nội dung Dữ liệu số nhằm thúc đẩy liên kết, thúc đẩy phát triển kinh tế số địa phương. Các diễn giả - là lãnh đạo cơ quan quản lý, các chuyên gia chuyển đổi số, và lãnh đạo tập đoàn công nghệ số hàng đầu Việt Nam: VINASA, VNPT, Viettel, Mobifone, VNPAY… đã tập trung bàn thảo, chia sẻ, và tham vấn về: chiến lược chuyển đổi số Quảng Ngãi, mô hình xây dựng dữ liệu số địa phương, cơ chế hợp tác chia sẻ dữ liệu để thúc đẩy phát triển kinh tế số phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Theo các chuyên gia, hiện nay, Quảng Ngãi và các địa phương nói chung đều đang ở giai đoạn xây dựng danh mục, cơ sở dữ liệu, công nghệ và năng lực khai thác dữ liệu rất thấp, cũng như chưa có chiến lược dữ liệu. Để tạo ra những đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ngãi cần có tư duy và cách làm đột phát trong hoạch định, quản lý, và chia sẻ dữ liệu.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu phấn đấu, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt bình quân 4 -5%/năm; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác nông nghiệp 100 triệu đồng; trên 50 hợp tác xã (HTX) hoạt động có hiệu quả; trên 10% HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; trên 50% HTX nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Để góp phần thực hiện hóa các kế hoạch đặt ra, Ban Tổ chức đã thiết kế và tổ chức 2 phiên hội nghị dành cho ngành Nông nghiệp. Một chương trình tại huyện Mộ Đức hướng tới việc tập huấn nâng cao nhận thức chuyển đổi số, đưa những giải pháp số chuyển đổi số, truyền thông, bán hàng, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số, cùng với việc xây dựng thương hiệu, xây dựng hệ thống bán hàng đa kênh cho những doanh nghiệp, hợp tác xã, và bà con nông dân. Một Hội thảo chuyển đổi số ngành nông nghiệp tại tp. Quảng Ngãi với những chuyên gia chuyển đổi số tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm cho các nhà quản lý ngành xây dưng hệ thống quản trị số giúp nâng cao chất lượng, phát huy tiềm năng, đóng góp vào mục tiêu chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đang chủ động chuyển đổi số, tiếp cận và tham gia mạnh mẽ vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những người làm du lịch đang tự nâng cấp mình, nâng cấp hệ thống, trang bị tri thức về công nghệ số… nhằm đáp ứng việc quản lý, vận hành và đặc biệt là đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Năm 2022, Quảng Ngãi đón 650.000 lượt khách, đạt 91% so với kế hoạch, khách quốc tế đạt 11.000 lượt khách, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch đạt 700 tỷ đồng, tăng gấp 2,98 lần so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp chuyển đổi số đã tư vấn, chia sẻ cho các nhà quản lý doanh nghiệp du lịch về tận dụng các thế mạnh của chuyển đổi số về truyền thông số, xây dựng sản phẩm du lịch mới. Song song với đó là sớm xây dựng Hệ thống du lịch thông minh – Smart Tourism để tận dụng, khai thác hiệu quả các dữ liệu số này, tạo đột phá cho du lịch của Quảng Ngãi. Đặc biệt, việc liên thông, liên kết vùng, liên kết với các tỉnh lân cận trong chia sẻ, và khai thác dữ liệu về du lịch sẽ tạo cho Quảng Ngãi một bước tiến dài, khi một số lượng lớn khách đến với Huế, Đà Nẵng và những tỉnh lân cận… được biết đến và trải nghiệm những sản phẩm du lịch đang có tiềm năng lớn của tỉnh.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: “Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện của riêng Quảng Ngãi, mà là câu chuyện lớn của vùng, cả nước và toàn cầu. Để có bước tiến mạnh mẽ hơn về chuyển đổi số ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, cần có những liên kết chặt chẽ, tối ưu nguồn lực và tạo những chuỗi giá trị mới”.