Sẽ sử dụng "Nền tảng tín nhiệm" để thúc đẩy thị trường TMĐT

Sẽ sử dụng
Tạp chí Nhịp sống số - Giải quyết được "rào cản" về lòng tin của người dùng, giảm tỷ lệ thanh toán COD được coi là một trong những yếu tố giúp thị trường Thương mại điện tử Việt Nam phát triển tích cực hơn trong thời gian tới.

Thông tin trên được chia sẻ tại Diễn đàn Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online, diễn ra hôm nay (20/8) tại Hà Nội. Sự kiện do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức.

TMĐT Việt Nam: Vừa đông, vừa đủ... nhưng vẫn chuộng COD

Tại Diễn đàn, các chuyên gia nhận định: Trong vòng 5 năm trở lại đây, mua sắm trực tuyến đang là xu hướng tiêu dùng được rất nhiều người dùng quan tâm. Đặc biệt sau khi trải qua đợt bùng phát đầu tiên của dịch Covid-19. 

Theo nhận định của ông Lê Đức Anh – Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương): Hiện nay thương mại điện tử ở Việt Nam đã có sự tham gia đầy đủ của mọi thành phần, từ nhà cung cấp hạ tầng, các doanh nghiệp bán hàng đến người tiêu dùng. Cùng đó, số lượng website thương mại điện tử được đăng ký với bộ Công Thương liên tục tăng qua các năm. 

Còn theo bà Đặng Thuý Hà – Giám đốc khu vực phía bắc Nielsen Việt Nam, các website thương mại điện tử ở trong nước hiện nay như Tiki, Shopee, Lazada… đều đang rất phổ biến với người dùng. Các website này đều có mức độ cá nhân hóa theo sở thích của người dùng rất cao. Mặc dù đợt bùng phát đầu tiên của dịch Covid-19 đã giúp cho thương mại điện tử phát triển mạnh nhưng kể cả sau dịch, có tới 65% người dùng cho biết họ vẫn sẽ tiếp tục mua sắm online. 

“Dịch Covid-19 vừa rồi, qua khảo sát, hơn 60% người tiêu dùng cho biết, vẫn tiếp tục mua sắm online. Điều đó thể hiện rằng, họ vẫn nhìn nhận được những thế mạnh, lợi ích khi mua sắm online. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại từ phía người tiêu dùng, đó là những gì mà được xem, đã trả tiền ấy thì có được nhận đúng hàng hóa như vậy hay không. Có một lo ngại nữa là trả tiền trực tuyến thì liệu có bị hack hay không, hoặc là chất lượng sản phẩm thì nó có đảm bảo hay không…”, bà Đặng Thúy Hà chia sẻ.

Theo phân tích của các chuyên gia, 3 lý do chính dẫn tới quyết định này là vì họ vẫn lo ngại khi tới nơi đông người, thu nhập của họ trong đợt dịch vừa qua đã giảm đi và lý do chính là vì mức độ tiện lợi khi mua sắm trực tuyến. 

Các mặt hàng thường được lựa chọn khi mua hàng online là mỹ phẩm, thời trang, sản phẩm công nghệ, thực phẩm. Phần lớn các đơn hàng thường phát sinh vào thời điểm từ sau 6h tối đến 11h đêm. 


Diễn đàn Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam

Tuy nhiên bên cạnh các yếu tố mang tính tiềm năng, thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn một số vấn đề. Chia sẻ tại Diễn đàn Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online, ông Lê Đức Anh cho rằng có 2 trở ngại chính khi mua hàng trực tuyến.

“Đó là sản phẩm kém chất lượng, giá không trung thực, khuyến mại ảo, quảng cáo sai sự thật. Và vấn đề thứ hai là dù thanh toán không tiền mặt rất phát triển, nhưng trong các giao dịch trực tuyến, tiền mặt vẫn giữ tỷ lệ quá cao với phương thức thanh toán COD”.

Sẽ dùng "Nền tảng tín nhiệm" để thúc đẩy thị trường TMĐT

Phương thức thanh toán COD (Cash on Delivery – Trả tiền khi nhận hàng) được coi là một biện pháp để bảo vệ người mua hàng khi giao dịch trực tuyến.

Nhưng 2 đối tượng chịu thiệt lại là người bán và đơn vị vận chuyển. Rủi ro với người bán hàng là họ sẽ phải mất thêm chi phí nếu người mua không nhận hàng. Với đơn vị chuyển phát, nhiều bên phải thực hiện giao lại 3 lần hoặc hơn cho tới khi khách hàng nhận hàng, điều này gây tốn kém hơn cho doanh nghiệp. Ngoài ra lượng tiền mặt mà những người giao hàng giữ, đây được coi là một phần tiền của doanh nghiệp vận chuyển đang bị phân tán qua từng nhân viên.

Nhiều người mua hàng có đủ khả năng thực hiện các loại hình thanh toán trực tuyến song về vấn đề tin tưởng họ vẫn đang chọn phương án COD. Để giải quyết vấn đề này, hiện nay Bộ Công Thương đang xây dựng một nền tảng có tên gọi là Nền tảng tín nhiệm để thúc đẩy thương mại điện tử của Việt Nam trong 5 năm tới. 

Nền tảng này gồm: thanh toán đảm bảo (bảo vệ cả người mua và người bán), dịch vụ giao hàng tiêu chuẩn, ứng dụng chứng từ điện tử, bảo vệ quyền lợi khách hàng và đánh giá các khiếu nại của khách hàng. 

Việc bảo vệ quyền lợi khách hàng sẽ thực hiện bằng cách tạo ra một nền tảng chung, khi doanh nghiệp bán hàng qua website thương mại điện tử của mình, họ sẽ điền mã đơn hàng, và thông qua nền tảng, một tin nhắn có cú pháp, theo tiêu chuẩn được gửi tới khàng hàng. Khi khách hàng có khiếu nại, họ chỉ cần lên hệ thống chung thông báo và các doanh nghiệp cũng sẽ giải quyết thông qua hệ thống chung này. 

Bộ cũng dự định sẽ cấp chứng chỉ tín nhiệm cho cả các cá nhân tham gia buôn bán online.

Có thể bạn quan tâm