Nền kinh tế số đang tăng trưởng mạnh của Việt Nam và sự gia tăng gần đây về khả năng di động của lực lượng lao động trong khu vực cũng khiến các doanh nghiệp có nguy cơ gặp phải “cơn bão tấn công mạng nghiêm trọng” (perfect storm), theo báo cáo Deloitte Cyber Smart: Enabling APAC business report (Thông minh mạng: Kích hoạt doanh nghiệp châu Á Thái Bình Dương) được tài trợ bởi VMware, hãng sáng tạo hàng đầu thế giới về phần phần mềm doanh nghiệp. Phân tích nguy cơ mạng, sự chuẩn bị và cơ hội của 12 nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC), bản báo cáo cho thấy cơ hội tăng trưởng GDP của toàn khu vực lên tới 145 tỉ đô-la Mỹ trong vòng 10 năm tới nếu các doanh nghiệp áp dụng một phương thức tiếp cận bảo mật đa lớp từ lõi nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh được liên tục, đồng thời thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới.
Theo các báo cáo khác, chi tiêu an ninh mạng khu vực Đông nam Á ước tính khoảng 1,9 tỉ đô-la Mỹ trong năm 2017, và dự báo tăng tới 5,5 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2025. Tuy vậy, các cuộc tấn công mạng vẫn là mối đe dọa chính đối với các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực. Ngoài ra, gần một nửa doanh nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã bị tấn công mạng trong vòng 12 tháng qua. Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 63% các doanh nghiệp đã chịu tổn thất vì bị gián đoạn kinh doanh do bị tấn công bảo mật.
Các doanh nghiệp cũng đang phải trả giá, bản báo cáo chỉ ra tác động của tấn công mạng đang ngày trở nên tốn kém hơn – các doanh nghiệp lớn với hơn 500 nhân viên ở khu vực APAC có thể tổn thất tới 30 triệu đô-la Mỹ cho một vụ tấn công bảo mật; và đối với doanh nghiệp vừa với 250-500 nhân viên, chi phí này ít nhất là 96.000 đô-la Mỹ.
Duncan Hewett, Phó chủ tịch cấp cao kiêm Tổng giám đốc VMware khu vực châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản (APJ), cho biết: “Khi nền kinh tế số tiếp tục phát triển ở mỗi quốc gia thì nguy cơ bị tấn công mạng cũng tăng theo. Việc có sự chuẩn bị phù hợp từ trước sẽ giảm thiểu rủi ro đối với các doanh nghiệp cũng như tránh được những chi phí phát sinh từ một cuộc tấn công. Dựa trên những gì chúng tôi quan sát thấy trong khu vực, các doanh nghiệp mà có một chiến lược bảo mật mạng hiệu quả sẽ tự tin đầu tư mạnh vào các công nghệ mới, dẫn tới mức đầu tư vốn và tăng trưởng hiệu suất cao hơn”.
“Thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách là xây dựng một khung khổ và môi trường pháp lý toàn diện để bảo vệ doanh nghiệp trước các rủi ro tấn công mạng, đồng thời cho phép họ sáng tạo và khai thác tối đa tiềm năng của các công nghệ số. Chúng tôi nhận thấy mối quan tâm của chính phủ, chủ doanh nghiệp và các chuyên gia ngành trong việc xây dựng một hệ thống thông minh mạng khu vực châu Á Thái Binh Dương và ước tính có thể đóng góp 0,7%, tương đương 145 tỉ đô-la Mỹ, vào tăng trưởng GDP của toàn khu vực trong 10 năm tới,” John O’Mahony, Đối tác, đồng thời trưởng nhóm tác giả nghiên cứu của Deloitte Access Economics tại Úc, chia sẻ.
Ngoài ra, báo cáo còn chia sẻ chỉ số Thông minh Mạng 2020 (VMware-Deloitte Cyber Smart Index 2020) đánh giá mức độ rủi ro mạng của từng quốc gia trong khu vực cũng như sự chuẩn bị sẵn sàng của họ với những nguy cơ đó. Tập trung vào những nguy cơ thường thấy đối với tấn công mạng, chỉ số này xem xét quy mô của cuộc tấn công, tần suất tấn công và giá trị của doanh nghiệp gặp phải rủi ro.
Ông Phạm Việt Thắng, Giám đốc quốc gia VMware Việt Nam cho biết: “Nhu cầu chưa từng có về một lực lượng lao động di động, được đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng, đã đánh dấu giai đoạn chuyển đổi quan trọng cho các doanh nghiệp trong nước. Trong mô hình mới này, các doanh nghiệp cần triển khai hệ thống bảo mật đa lớp từ lõi để đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh, hướng tới thành công. VMware đang cung cấp giải pháp bảo mật đa lớp từ lõi giúp bảo vệ tất cả bộ phận quản lý quan trọng của doanh nghiệp hiện đại, giúp hệ thống bảo mật của họ trở nên tự động hóa, chủ động và toàn diện hơn".
Nhờ áp dụng bảo mật đa lớp từ lõi, các doanh nghiệp có thể giảm thiểu quy mô tấn công, thay vì tìm và ngăn chặn các mối đe dọa, thì có thể chủ động ngăn chặn sớm các kẻ tấn công tiềm tàng. Điều này cũng phù hợp với chiến lược bảo mật đa lớp từ lõi của VMware, theo đó ứng dụng công nghệ VMware ngay bên trong các lớp hạ tầng mạng để triển khai bảo mật tới mọi ứng dụng, mọi đám mây và qua mọi thiết bị.