Khi mới nảy ra ý tưởng thiết kế Otto, một robot phân loại rác ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm cải thiện tình hình quản lý rác thải tại Trường quốc tế Việt Úc (VAS), Đào Hiểu Phong không ngờ rằng sáng chế này sẽ giúp mình trở thành một trong những chủ nhân của Học bổng toàn phần RMIT năm nay.
Từ cách tiếp cận mới cho việc phân loại rác
"Mặc dù nhà trường đã có vô số chiến dịch nâng cao nhận thức nhưng mình nhận thấy các bạn học sinh quanh mình vẫn tiếp tục sử dụng sai thùng phân loại rác. Mình cho rằng cần có cách tiếp cận mới – sáng tạo, hấp dẫn và hiệu quả hơn – để xây dựng thói quen phân loại rác trong toàn trường", Phong chia sẻ.
Nhận thức này chính là khởi nguồn cho sự ra đời của Otto. Ý tưởng thoạt nghe rất đơn giản: một con robot gắn vào thùng phân loại, có khả năng tự động mở đúng nắp thùng tương ứng sau khi xác định được loại rác.
Nhiệm vụ của Phong với tư cách là người sáng lập dự án là phát triển mô hình hoàn chỉnh đầu tiên. Biến chính phòng ngủ của mình thành phòng thí nghiệm, Phong đã dấn thân vào một “vùng đất” khá xa lạ.
"Ngay tuần đầu tiên mình đã chế tạo hàng chục mạch điện và khiến phòng ngủ vô cùng bừa bộn. Trước đó mình chưa từng có kinh nghiệm về robot và học máy, nên việc thiết kế và chế tạo robot từ A đến Z không hề dễ dàng chút nào", Phong hồi tưởng.
"Mình đã lắp ráp được phiên bản đầu tiên của Otto trong vòng một tháng. Nhưng nhóm mình nhận thấy cần phải cải tiến thêm, nên mình lại tiếp tục mày mò".
Và quyết tâm đã được đền đáp. Sau nhiều phiên bản nâng cấp của Otto, Phong và đồng đội đã giành giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học TP. Hồ Chí Minh, và Otto hiện đang được triển khai tại cơ sở Ba Tháng Hai của VAS. Phong đã tuyển chọn và đào tạo một nhóm học sinh để tiếp tục dự án sau khi cậu tốt nghiệp và hiện đang là cố vấn của nhóm.
Đến chân trời mới về công nghệ
Tại RMIT, Phong sẽ theo học ngành Cử nhân Công nghệ thông tin với các môn tự chọn về AI.
"Điều khiến mình hạnh phúc nhất là có thể tự tạo ra thứ gì đó bằng công nghệ. Cho dù là phần mềm, robot hay ứng dụng AI, mình tin rằng công nghệ là chìa khóa cho sự sáng tạo", Phong nói.
Phong cho biết sẽ "tận hưởng" cuộc sống sinh viên phong phú thông qua các câu lạc bộ, hoạt động thể thao và cuộc thi đa dạng. Cậu cũng rất hào hứng với chương trình trao đổi sinh viên của RMIT và coi đây là cơ hội để có được góc nhìn toàn cầu và tiếp cận kiến thức mới nhất về công nghệ thông tin và AI.
Là một trong bảy chủ nhân Học bổng toàn phần RMIT năm nay, lời khuyên của Phong dành cho các ứng viên tương lai được đúc kết từ chính hành trình của bản thân: "Điều quan trọng là các dự án bạn đang làm phải có ý nghĩa đặc biệt với riêng bạn. Không nên làm theo những gì người khác đã làm chỉ vì họ có vẻ thành công".
Phong cũng tiết lộ rằng một trong những khó khăn lớn nhất trong hành trình chuẩn bị ứng tuyển học bổng là hạn chế game và YouTube.
"Bước vào lớp 12, thời gian trở nên vô cùng quý giá. Mình có mục tiêu để vươn đến và mình rất vui khi thực hiện các dự án. Dần dần, mình đã làm chủ được thời gian của bản thân. Mình học được giá trị của ước mơ và kỷ luật", Phong nói.
Đối với Phong, học bổng RMIT không chỉ là hỗ trợ về mặt tài chính – đó còn là cơ hội để cậu tiếp tục ước mơ tạo ra các giải pháp công nghệ lấy người dùng làm trung tâm. Phong dự định sẽ phát triển các dự án với mục tiêu trước tiên là mang lại lợi ích cho các sinh viên và thầy cô trong trường, sau đó mở rộng đối tượng tiếp cận thông qua phương tiện mạng xã hội.
Dù luôn duy trì thành tích học tập xuất sắc suốt thời THPT với điểm trung bình trên 9,7 và từng đạt bảy điểm A* (điểm tuyệt đối) trong kỳ thi chứng chỉ giáo dục THPT quốc tế Cambridge IGCSE, nhưng Đào Hiểu Phong không hề "mọt sách" mà vẫn có thời gian nuôi dưỡng đam mê âm nhạc.
Phong đặc biệt yêu thích nhạc jazz. Cậu bạn từng chơi guitar và bass trong nhiều sự kiện âm nhạc và sự kiện của trường.