Tại hội nghị tổng kết ngành Thông tin - Truyền thông (TT-TT) cuối tháng 12-2015, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel đã kiến nghị cơ quan quản lý nên có lộ trình tắt 2G để giải phóng tần số cho 4G nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa mạng viễn thông, nhất là trong bối cảnh tài nguyên tần số đang khan hiếm.
Cùng với kiến nghị này, lãnh đạo Viettel đề nghị Bộ TT-TT nên cấp phép cho nhà mạng triển khai 4G trong thời gian sớm nhất - vào đầu năm 2016. Để minh chứng cho đề xuất này, lãnh đạo Viettel phân tích, khi 3G đạt mật độ 35-40% người sử dụng thì có thể đầu tư 4G. Trong khi đó hiện thuê bao 3G trong nước đã đạt khoảng 35%; cùng với các dữ kiện khác, như mật độ các nước trên thế giới đầu tư đạt hơn 10% và máy đầu cuối 4G dưới 100 USD là những điều kiện đủ để Việt Nam nên triển khai 4G nếu không sẽ bị tụt hậu.
Lãnh đạo Viettel cũng chia sẻ thông tin với một số cơ quan báo chí cho rằng, đề xuất tắt sóng 2G của Viettel là có lộ trình. Ở một số nước trong khu vực, chính phủ nước đó cũng đã yêu cầu nhà mạng tắt sóng 2G và đó là xu thế. Hơn nữa, nếu cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tắt sóng 2G sẽ "giải phóng" được băng tần 900MHz hiện nay để đầu tư cho 4G, 5G… Đáng chú ý, vị Phó Tổng Giám đốc của Viettel cho biết, nhà mạng có thể trợ giá smartphone cho người tiêu dùng khi dừng phát sóng 2G…
Về đề xuất của Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, sau khi thông tin này được đưa ra trên báo chí đã thu hút nhiều ý kiến của độc giả. Có hai luồng ý kiến, cụ thể luồng ý kiến phản đối cho rằng, Viettel đề xuất như vậy là ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, vì phần lớn người dùng (65-70%) là không dùng smartphone nếu tắt sóng 2G người dân sẽ "khóc" với chiếc điện thoại "cục gạch". Song, không ít ý kiến cũng cho rằng đó là đề xuất thực tế, về lâu dài vì suy cho cùng vòng đời tuổi thọ của công nghệ không tồn tại được lâu và dù muốn hay không nó cũng sẽ được thay thế bởi công nghệ tiên tiến hơn.
Ông Lê Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, lượng thuê bao 2G trên thế giới đang sụt giảm, cụ thể năm 2012 có khoảng 4 tỷ thuê bao thì dự kiến đến năm 2020 còn khoảng 2 tỷ thuê bao. Do vậy, về lý thuyết việc tắt sóng 2G cũng sẽ là tất yếu trong tương lai.
Các chuyên gia viễn thông trong Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) cũng đã có khuyến nghị về xu hướng giảm thuê bao 2G này, nhưng đến nay chưa nhắc gì đến kế hoạch, hay lộ trình tắt sóng 2G. Cũng theo vị chuyên gia về tần số, hiện ở Nhật Bản và Hàn Quốc, do các quốc gia này sử dụng công nghệ CDMA nên họ đã tắt sóng 2G, còn hầu hết các nhà mạng thế giới sử dụng công nghệ GSM đều chưa thực hiện. Còn ở Việt Nam, từ tháng 3-2015, Bộ TT-TT đã ban hành thông tư về quy hoạch băng tần di động, cho phép các DN được lắp đặt hạ tầng 3G trên băng tần 900MHz dành cho 2G.
Trở lại với đề xuất của Viettel, việc nhà mạng có thể trợ giá smartphone cho người dùng, đó cũng là một ý tưởng tích cực cần khuyến khích. Nếu có sẽ do thị trường chính là nhu cầu người sử dụng quyết định. Song, việc trợ giá này không thể giống với chuyện số hóa truyền hình, vì nhu cầu xem ti vi là thiết yếu với người dân; ngoài ra vô tuyến còn là kênh thông tin, tuyên truyền hữu hiệu, do vậy Nhà nước mới trang bị miễn phí thiết bị kỹ thuật số để người dân (hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách) được xem ti vi khi truyền hình chuyển đổi công nghệ từ analog sang digital.
Đó là đề nghị có tính chất thực tế, chiến lược và lâu dài, dù rằng công nghệ cũ (2G) sẽ bị công nghệ mới hơn thay thế là tất yếu. Song, có một thực tế là, từ đầu năm 2015, với mục đích để tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng vùng phủ, Bộ TT-TT đã cấp phép cho các nhà mạng được triển khai hạ tầng 3G trên băng tần 900MHz và được biết Tập đoàn VNPT đã lắp đặt trên 10.000 trạm BTS 3G ở dải băng tần này. Cũng có một thực tế là lắp đặt một trạm BTS 3G ở băng tần 900MHz sẽ có giá trị bằng 3 trạm BTS lắp đặt ở các vị trí 1.800MHz, 2.100MHz… Điều này cũng đã được công bố rộng rãi.
Vì thế, với đề xuất tắt sóng 2G ở băng tần 900MHz còn có một câu chuyện khác là cuộc cạnh tranh giữa hai đối thủ Viettel và VNPT?