Cuộc họp có sự tham dự của trên 100 đại biểu gồm đại diện các cơ quan trung ương: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam và Chi cục đường thủy nội địa phía Bắc; Nhà tài trợ USAID/MWRP; Viện khoa học thủy lợi Việt Nam; Trung tâm MCD; Các tổ chức bảo vệ môi trường; và các đại biểu từ Nam Định: Lãnh đạo và các cán bộ Sở TN&MT; Đại diện các đơn vị Sở GTVT, Sở KH&CN, Sở GD&ĐT, Tỉnh đoàn, Chi cục Thủy lợi, Phòng CSGT đường thủy, Công ty quản lý đoạn đường sông số 5, Cảng vụ đường thủy nội địa Nam Định, Công ty cổ phần môi trường Nam Định, Công ty môi trường xanh Nam Trực; Lãnh đạo UBND và cán bộ phòng TN&MT TP Nam Định, huyện Mỹ Lộc, huyện Giao Thủy, huyện Nam Trực; Lãnh đạo UBND, cán bộ địa chính môi trường và đại diện các tổ chức cộng đồng các phường Trần Tế Xương, Vị Xuyên, Vị Hoàng, xã Nam Phong, xã Mỹ Tân, Giao Hải, Giao Xuân; Nhóm nòng cốt cộng đồng vận hành các công cụ quản lý rác tại xã Mỹ Tân, phường Trần Tế Xương và xã Giao Hải; BQL VQG Xuân Thủy; Đại diện lãnh đạo, đoàn trường và đoàn viên thanh niên Trường Cao đẳng kinh tế và công nghệ Nam Định. Buổi họp có sự tham dự đưa tin của đại diện các đơn vị báo chí, truyền hình trung ương và địa phương.
Dự án “Thí điểm quản lý rác thải đô thị theo dòng chảy từ sông ra biển nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở tỉnh Nam Định, khu dự trữ sinh quyển sông Hồng” được tài trợ bởi USAID thông qua công ty DIG do MCD chủ trì và phối hợp với các đối tác thực hiện từ 2018 đến 31/03/2021. Dự án này nhằm mục tiêu thử nghiệm các giải pháp công nghệ cải tiến, chi phí thấp, kết hợp các giải pháp xã hội trong việc cải thiện quản lý rác thải rắn dọc theo các dòng sông và tại cửa sông, góp phần quản lý rác thải rắn hiệu quả hơn và giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trong môi trường sông ngòi và môi trường biển của tỉnh Nam Định. Tại cuộc họp tổng kết, MCD và đại diện chính quyền địa phương cùng các nhóm nòng cốt tại các khu vực trọng điểm của dự án đã báo cáo về quá trình thực hiện, triển khai các hoạt động và chia sẻ kết quả, bài học kinh nghiệm thực hiện mô hình thí điểm, trong đó nổi bật là thử nghiệm thành công công cụ thu gom rác trên sông và kết nối các bên liên quan, thúc đẩy hợp tác công-tư-cộng đồng và lồng ghép sáng kiến dự án vào công tác quản lý chất thải rắn của địa phương.
Dự án đã đạt các kết quả vượt mức cam kết, hoàn thành mục tiêu đề ra, với trên 320 tấn rác thải nhựa đã được thu gom, phân loại và xử lý thông qua các sáng kiến, giải pháp của dự án; trên 18.500 người trực tiếp tham gia các hoạt động dự án; gần 3.400 người được tăng cường năng lực thông qua các hoạt động tập huấn, đối thoại và hỗ trợ kỹ thuật về quản lý rác thải rắn và rác thải nhựa; khoảng 11.500.000 người được tiếp cận đến các thông tin liên quan đến dự án và các hoạt động đã được triển khai; 25 cơ quan, đơn vị, tổ chức đã tham gia phối hợp triển khai các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả quá trình thu gom, phân loại, xử lý rác thải rắn và rác thải nhựa tại các địa bàn dự án.
Tại cuộc họp, Bà Hồ Thị Yến Thu – Phó Giám đốc thường trực MCD cho biết: “Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) đã có hơn 15 năm hỗ trợ tỉnh Nam Định thực hiện các dự án góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, cải thiện đời sống của cộng đồng ven biển. Với dự án này, MCD và địa phương đã lựa chọn một khía cạnh mới và nhiều thách thức trong quản lý rác thải – đó là thí điểm mô hình tăng cường thu gom, phân loại và xử lý rác thải rắn theo dòng chảy từ sông ra biển. Dự án đã áp dụng cách tiếp cận tổng hợp, kết hợp giải pháp công nghệ với các giải pháp xã hội và hợp tác công- tư - cộng đồng trong đó MCD đóng vai trò huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật và quản trị, kết nối và thúc đẩy. MCD rất phấn khởi vì mô hình thí điểm đã có những thành công đáng ghi nhận và có thể nhân rộng. Chúng tôi trân trọng cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình và hợp tác hiệu quả từ các cơ quan trung ương và địa phương, cộng đồng dân cư và đối tác tài trợ đối với dự án.”
Ông Hoàng Trọng Nghĩa- Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nam Định cho biết: “Dự án Thí điểm quản lý rác thải đô thị theo dòng chảy từ sông ra biển nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở tỉnh Nam Định, khu dự trữ sinh quyển sông Hồng đã hỗ trợ đáng kể trong việc nâng cao sự quan tâm và nhận thức của cán bộ, người dân Nam Định về ô nhiễm rác thải rắn, rác thải nhựa. Dự án đã thử nghiêm thành công các sáng kiến mới, góp phần cải thiện công tác quản lý rác thải nhựa trong môi trường sông biển của tỉnh Nam Định. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của MCD, các đối tác, chuyên gia trong và ngoài nước đã hỗ trợ triển khai mô hình thí điểm quản lý rác thải theo dòng chảy từ sông ra biển này. Chúng tôi mong rằng chúng ta sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và thành công hơn nữa trong các dự án tiếp theo vì một Nam Định với sông sạch- biển xanh.”
Tai cuộc họp, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, trao đổi ý kiến và thống nhất về việc phối hợp giữa các bên nhằm duy trì và nhân rộng những thành công của mô hình thí điểm gắn với các dự án và sáng kiến kế tiếp tại Nam Định cũng như khu vực đồng bằng sông Hồng, để quản lý rác thải rắn hiệu quả hơn và góp phần thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương.