Thị trường smartphone Trung Quốc tiếp tục chịu áp lực

Tạp chí Nhịp sống số - Nhu cầu của người tiêu dùng chậm lại và gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn đang ảnh hưởng đến thị trường điện thoại thông minh của Trung Quốc.

South China Morning Post dẫn cảnh báo của các nhà phân tích cho biết, ngành công nghiệp điện thoại thông minh của Trung Quốc sẽ trải qua một năm 2023 khó khăn, với dự đoán không có sự tăng trưởng nào cho đến năm 2024, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và chi tiêu của người tiêu dùng trong nước yếu.

Thị trường smartphone Trung Quốc

Theo dự báo từ công ty nghiên cứu thị trường IDC, tổng số lô hàng điện thoại thông minh ở Trung Quốc có thể đã giảm 10% vào năm 2022 xuống còn 285 triệu chiếc. Will Wong, chuyên gia phân tích của IDC, cho biết những “cơn gió ngược” sẽ vẫn mạnh vào năm 2023 đối với thị trường điện thoại thông minh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ông Wong giải thích, việc mua một chiếc điện thoại mới sẽ không phải là ưu tiên hàng đầu của mọi người trong năm nay, những người giàu có sẽ chọn đi du lịch nước ngoài khi hạn chế về dịch Covid-19 được gỡ bỏ, còn những người dùng kém giàu có hơn sẽ hạn chế chi tiêu của họ.

Theo báo cáo công bố trong tuần qua của Học viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT), cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, các lô hàng điện thoại thông minh của nước này trong tháng 11/2022, vốn là tháng cao điểm mua sắm điện thoại, đã giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 22,2 triệu chiếc. Doanh số bán hàng trong 11 tháng của năm 2022 cũng giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Tất cả 5 thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu, dẫn đầu là Apple, đều chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong tháng 11.2022, mặc dù đã có chương trình giảm giá mạnh nhất cho chiến dịch Ngày Độc thân. Vivo bị ảnh hưởng nặng nề nhất với mức giảm 36,2%, xuống còn 2,3 triệu chiếc bán ra trong tháng. Nhu cầu của người dùng chậm lại đã khiến Xiaomi Corp tiến hành đợt sa thải mới ảnh hưởng đến gần 10% lực lượng lao động, sau khi cắt giảm hơn 900 việc làm hồi đầu năm nay.

Theo ước tính từ công ty tư vấn CINNO Research, tổng doanh số bán hàng trong cả năm 2022 sẽ vào khoảng 250 - 260 triệu chiếc, đây là doanh số hằng năm tệ nhất kể từ năm 2015 đối với ngành điện thoại thông minh của Trung Quốc.

Chuỗi cung ứng bị rung chuyển

Ngoài nhu cầu, chuỗi cung ứng điện thoại thông minh ở đại lục cũng bị rung chuyển trong năm qua. Thượng Hải, nơi tập trung nhiều hoạt động sản xuất điện thoại thông minh, đã thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt để đối phó với dịch Covid-19 trong suốt tháng 4 và tháng 5/2022.

Cơ sở sản xuất của Foxconn, nhà cung cấp chính cho Apple, tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, bị gián đoạn nghiêm trọng, với các cuộc biểu tình của công nhân và hàng chục nghìn nhân viên phải rời đi vì sự bùng phát Covid-19 tại cơ sở.

Trung Quốc đã đột ngột loại bỏ gần như tất cả biện pháp kiểm soát Covid-19 vào tháng 12/2022, nhưng nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng trong chuỗi cung ứng vào thời gian tới. “Sản xuất công nghiệp và thị trường tiêu thụ sẽ cần thời gian để phục hồi dần dần. Tác động từ các chính sách phòng dịch Covid-19 dự kiến ​​sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm 2023”, chuyên gia phân tích Charley Zhou của CINNO nói.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.