Thiếu hàng vạn nhân lực thiết kế chip bán dẫn

Tạp chí Nhịp sống số - Việt Nam có thể tham gia chuỗi bán dẫn toàn cầu ở khâu thiết kế chip. Do đó, nhu cầu nhân lực khá lớn, cần khoảng 10.000 kỹ sư/năm.

Tham gia công đoạn thiết kế chip

Thống kê của World Semiconductor Trade Statistics cho hay, năm 2022, doanh thu chip bán dẫn toàn cầu ước khoảng 556 tỷ USD. Dự báo đến năm 2029, ước tính tổng giá trị thị trường bán dẫn toàn cầu có thể đạt 1.400 tỷ USD.

nhân lực thiết kế chip bán dẫn

Việt Nam được đánh giá có hệ sinh thái bán dẫn phát triển với tốc độ nhanh nhất thế giới, nhưng tỷ lệ đóng góp trong chuỗi bán dẫn toàn cầu đang dừng ở mức thấp.

Trong hơn 30 năm qua, chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã định hình, rất khó để các quốc gia đang phát triển có thể tham gia. Tuy vậy, với sự tái định vị chuỗi giá trị ngành bán dẫn sau Covid-19 và sự cạnh tranh công nghệ giữa các nền kinh tế lớn, Việt Nam được nhận định là có nhiều cơ hội.

Ông Lê Hải Anh, Giám đốc Dolphin Technology Vietnam Center đánh giá cao lợi thế của Việt Nam, khi có số lượng lớn kỹ sư người Việt đang làm việc tại Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan…, giúp các tập đoàn lớn toàn cầu nhìn thấy chất lượng nguồn nhân lực Việt rất tốt và bắt đầu quan tâm tới việc mở văn phòng tại Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp làm về dịch vụ thiết kế vi mạch, trong đó phần lớn là doanh nghiệp FDI trong ngành vi mạch bán dẫn từ các nước, vùng lãnh thổ như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đài Loan... với lực lượng lao động ước gần 5.000 kỹ sư.

Trong lĩnh vực đóng gói vi mạch, Intel, Amkor và Hana Micron đã xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Các doanh nghiệp quan trọng nằm trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đóng gói như Besi bắt đầu dịch chuyển vào Việt Nam. Cùng với đó, nhiều công ty trong nước cũng đã gia nhập thị trường như Viettel, FPT, VNChip… Dự báo, năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD.

“Bắt đầu có những start-up thuần Việt. Tuy nhỏ, chỉ khoảng 10 - 20 kỹ sư, đang mở rộng nhân sự lên 30 - 40 người. Dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng họ đang chứng minh cho thế giới thấy, các công ty chip của Việt Nam bắt đầu làm được rồi”, ông Hải Anh lạc quan.

GS-TS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Việt Nam nên thiết kế chip, bởi đây là phân khúc có giá trị cao nhất trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong công nghiệp bán dẫn, phần thiết kế đem lại lợi nhuận cao nhất, chiếm khoảng 52-55% giá thành. Tiếp đó là khâu liên quan đến chế tạo, cỡ khoảng 24-25%, phần còn lại dành cho đóng gói, kiểm thử. Hiện các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tập trung nhiều vào công đoạn đóng gói và kiểm thử. Về chiến lược lâu dài, chúng ta cần tham gia sâu rộng vào thiết kế - phần đem lại giá trị cao nhất”, ông Tú khuyến nghị.

Tăng khả năng đào tạo kỹ sư bán dẫn

Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ, đến năm 2030, toàn cầu sẽ cần thêm khoảng 1 triệu kỹ sư bán dẫn vi mạch. Ông Harsh Bharwani, CEO Tập đoàn Jetking Global nhận xét, thế mạnh lớn nhất của Việt Nam là có dân số trẻ, có thiên hướng học những môn liên quan đến công nghệ, kỹ thuật. Đó là yếu tố mà nhiều quốc gia khác không có được. Nguồn nhân lực ngày càng tăng sẽ đón đầu nhu cầu lớn.

Chúng tôi tin rằng, trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đi đầu trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn”, ông Harsh Bharwani bày tỏ.

Ông Nguyễn Hoàng Cương, Trưởng ban công nghệ bán dẫn (Tập đoàn Viettel) cho rằng, để có chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới, Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư vào năm 2030, gấp 10 lần con số hiện nay. Muốn đạt kế hoạch 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn, các trường đại học phải tăng gấp 10 lần quy mô đào tạo. Với Viettel, tính riêng lĩnh vực thiết kế chip, để đáp ứng mục tiêu phát triển, có nhu cầu nguồn nhân lực đến năm 2030 là hơn 500 kỹ sư, năm 2035 là hơn 1.000 kỹ sư.

Theo ông Cương, người Việt có năng khiếu trong các ngành toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học (STEAM) - đều là yếu tố căn bản trong việc làm chip. Từ lợi thế nhân lực sẽ tạo ra lợi thế khác.

Để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực bán dẫn, GS. Lee Young Hee, Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KAST) hiến kế, thành lập một cơ quan như Phòng thí nghiệm nghiên cứu quốc gia tập trung vào ngành công nghiệp bán dẫn. Phòng thí nghiệm này sẽ đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.

Tôi cho rằng, cần sự đầu tư mạnh mẽ từ phía Chính phủ để cải thiện hạ tầng và trang thiết bị hiện đại cho các trường đại học. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực của tất cả các bên liên quan”, GS. Lee Young Hee chia sẻ.

Ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thông tin, Dự thảo Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và trình Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ đào tạo 50.000 kỹ sư làm việc trong các công đoạn của lĩnh vực bán dẫn. Các giải pháp thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng vừa tốt, vừa nhanh đang tiếp tục được tìm kiếm.

Phối hợp các tập đoàn trong và ngoài nước để tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn vi mạch là việc hết sức quan trọng. Sự hợp tác này rất cần thiết, bởi muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phải đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế, không thể một mình một cách thức đào tạo”, ông Hoài nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm