Đại diện
Đáng chú ý, có đến gần 36% cửa hàng cho biết kết quả kinh doanh 2018 không có sự tăng trưởng, chỉ dừng lại ở mức bằng năm ngoái và tệ hơn năm ngoái. Đổi lại, với các cửa hàng có tăng trưởng thì tỷ lệ doanh thu tăng khá cao đã "kéo lại" cho bức tranh TMĐT năm qua. Nhờ đó, nếu như năm 2017, mức doanh thu cửa hàng trung bình của 2017 chỉ khoảng 1,2 tỷ đồng thì với 2018, con số này là hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, 39,2% cửa hàng có doanh thu từ các kênh online chiếm quá bán so với tổng doanh thu.
Cũng theo khảo sát, trong năm 2018, trung bình mỗi cửa hàng chi khoảng 10,4 triệu đồng/tháng để tiếp thị, quảng cáo (tăng hơn 1 triệu đồng/tháng so với năm 2017). Ngân sách trung bình cho tiếp thị tại cửa hàng là cao nhất (88 triệu đồng/năm/shop), sau đó lần lượt là website (79,2 triệu đồng/năm/shop), quảng cáo Facebook (75,2 triệu đồng/năm/shop) và Sàn TMĐT (58,5 triệu đồng/năm/shop).
Top 5 kênh tiếp thị được các cửa hàng sử dụng phổ biến nhất bao gồm tiếp thị, quảng cáo trên Facebook (80,5% có sử dụng), tổ chức chương trình tiếp thị tại cửa hàng (59,8%), SEO website (51,1%), đăng bài trên các diễn đàn, trang rao vặt (51,1%) và chạy quảng cáo Google (50,6%).
Năm vừa qua, Zalo trở thành một kênh để chat, tư vấn trực tiếp cho khách hàng được khá nhiều shop sử dụng. Xét về các kênh tiếp thị được những cửa hàng có sử dụng đánh giá hiệu quả tốt đứng đầu là tiếp thị quảng cáo trên Zalo với 55,1% cửa hàng có sử dụng đánh giá mang lại hiệu quả tốt, sau đó là đăng bài trên các diễn đàn rao vặt (53,9%) và phát tờ rơi/poster (51,5%).
Mặc dù doanh thu của các cửa hàng mới kinh doanh dưới 3 năm thấp hơn nhiều so với các cửa hàng kinh doanh trên 3 năm (1,2 tỷ đồng so với 1,9 tỷ đồng) và ngân sách tiếp thị trung bình cũng ít hơn (8,5 triệu đồng/tháng so với 13 triệu đồng/tháng), nhưng theo khảo sát, tốc độ tăng trưởng của các cửa hàng dưới 3 năm lại có vẻ khởi sắc hơn. Có tới 44% các cửa hàng trên 3 năm cho rằng năm 2018 không tăng trưởng hoặc tệ hơn năm ngoái. Trong khi tỷ lệ này ở các cửa hàng dưới 3 năm chỉ chiếm 30%. Đặc biệt với các cửa hàng chia sẻ rằng có tăng trưởng tốt (trên 30% doanh thu) thì có 30% mới kinh doanh trong vòng 1-2 năm. Những cửa hàng có doanh thu 2018 tệ hơn năm ngoái lại có tới 45% là các cửa hàng đã kinh doanh trên 5 năm.
Điều này cho thấy rằng các cửa hàng thường có tỷ lệ tăng trưởng mạnh nhất vào những năm đầu tiên, đặc biệt trong vòng 1-2 năm khởi đầu. Sau đó, rất dễ đi vào thời kỳ bão hòa, tăng trưởng chậm dần hoặc không tăng trưởng, thậm chí đi lùi. Đây là thách thức rất lớn đối với những người kinh doanh phải giữ vững tốc độ tăng trưởng khi doanh nghiệp đã đi vào ổn định, tiếp tục lựa chọn “con đường mòn” hay luôn phải đổi mới, tìm cho mình những cách thức, hướng đi mới trong kinh doanh để đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tốt nhất.
Bên cạnh đó, bán hàng online được nhận định đang là xu hướng của bán lẻ, việc không xuất hiện trên các kênh online là một thiếu sót rất lớn. Theo khảo sát, các cửa hàng không tăng trưởng có tỷ lệ không bán hàng online gấp đôi các cửa hàng có tăng trưởng. 15% cửa hàng không tăng trưởng cho biết không bán hàng online, tỷ lệ này ở các cửa hàng tăng trưởng chỉ là 8%. Doanh thu từ các kênh online của các cửa hàng không tăng trưởng cũng thấp hơn, tỷ lệ doanh thu online chiếm trên 1 nửa trong tổng doanh thu ở các cửa hàng không tăng trưởng chỉ chiếm 26%, trong khi tỷ lệ này ở các cửa hàng có sự tăng trưởng ở mức hơn 47%.