Tối ưu hoá quản trị tòa soạn số: Câu chuyện từ lý thuyết đến doanh thu

Tạp chí Nhịp sống số - Việc ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, sản xuất và phân phối nội dung... từ đó tối ưu hoá quản trị toà soạn để tạo doanh thu đột phá đang là câu chuyện "nóng" của lĩnh vực Báo chí - Truyền thông.

Tối ưu hoá quản trị tòa soạn số không chỉ là câu chuyện ứng dụng các công nghệ mới vào quy trình làm báo một cách hiệu quả, mà còn đề cập đến những mô hình tác nghiệp và phân phối nội dung mới trên không gian rộng lớn hơn, với "bài toán" về hiệu quả truyền thông và doanh thu. 

Đây là nội dung chính được đề cập đến tại Hội thảo báo chí quốc tế "Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN", diễn ra hôm nay (7/12/2023) tại Hà Nội. Sự kiện do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức từ 06 - 09/12/2023, với sự tham dự của 7 đoàn đại biểu quốc tế đến từ Liên đoàn các nhà báo ASEAN, gồm: Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore; các đại diện cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo báo chí tại Việt Nam.

Mô hình mới, không gian mới của báo chí

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số báo chí. Ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348 phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cuối năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố mức độ trưởng thành về chuyển đổi số của các cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã mạnh dạn đưa sản phẩm báo chí của mình lên không gian mạng, xuyên biên giới, đem lại trải nghiệm mới, bài học mới trong quá trình làm báo trên không gian mạng.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội thảo

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, chuyển đổi số trong truyền thông thực chất là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông số với những tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông tới người tiêu dùng thông tin. Việc các nước ASEAN cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết về chiến lược, cách làm hay trong việc thúc đẩy và định hướng các cơ quan báo chí truyền thông trong nước chuyển đổi số một cách bền vững là rất cần thiết.

Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - cho biết: Xu thế chuyển đổi số báo chí đang thúc đẩy các tương tác xã hội mạnh mẽ: tương tác giữa các tờ báo với nhau, giữa tờ báo với công chúng, giữa tờ báo với mạng xã hội, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách… Báo chí số tạo siêu dữ liệu thông tin trên môi trường mạng, kết nối và huy động công chúng cùng giải quyết các vấn đề xã hội ở phạm vi cộng đồng, quốc gia, quốc tế… Bên cạnh những cơ hội đó, chuyển đổi số cũng mang lại những thách thức không nhỏ, mà lớn nhất là sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng…

Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

"Những cơ hội và thách thức đó buộc mọi cơ quan báo chí trên thế giới trong đó có các cơ quan báo chí ở các nước ASEAN phải nhanh chóng thích ứng, đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Xét cho cùng, mục tiêu của chuyển đổi số chính là nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn và phụng sự xã hội" - Ông Nguyễn Đức Lợi nói.

Tối ưu hóa quản trị tòa soạn số để "tìm" doanh thu

Hội thảo gồm 2 phiên: Phiên thứ nhất với nội dung “Lý luận chung về quản trị tòa soạn số”; Phiên thứ hai với nội dung “Quản trị tòa soạn số: Thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp”.

Trong Phiên thứ nhất diễn ra sáng nay, các chuyên gia, lãnh đạo cơ quan báo chí ở các nước trong khu vực cùng nhau làm rõ các vấn đề lý luận chung về báo chí số và tòa soạn số, trong đó bao gồm nền tảng số và các công cụ số trong quản trị tòa soạn báo chí. Đồng thời, bàn luận và chỉ ra những vấn đề mới đang đặt ra cần phải tiếp tục nghiên cứu đối với việc xây dựng và quản trị tòa soạn số.

Các tham luận tại Hội thảo đi sâu vào những vấn đề về quản trị tòa soạn số hiện nay, như: Xu hướng phát triển báo chí số trên thế giới và các quốc gia khu vực ASEAN; Quản trị tòa soạn số - cơ hội và thách thức với báo chí các quốc gia khu vực ASEAN; Chiến lược chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam: cơ hội và thách thức với các cơ quan báo chí; Nền tảng số và công cụ số trong quản trị tòa soạn báo chí số; Ứng dụng công nghệ (AI, blockchain, XR, metaverse…) trong xây dựng và quản trị tòa soạn số; Nhân lực cho vận hành tòa soạn số; Mô hình tòa soạn số và vấn đề quản trị nguồn lực thực thi tòa soạn số; Quản trị tòa soạn số ở các tổ hợp báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, đa loại hình; Quản trị tòa soạn số ở các đài phát thanh, truyền hình; Vấn đề đặt ra và giải pháp nhằm xây dựng và quản trị tòa soạn số…

Nhà báo Wu Rui Ming - báo Shin Min Daily News, Hiệp hội Truyền thông và xuất bản sáng tạo Singapore - cho rằng: Trong thời đại số, yếu tố thời gian là vô cùng quan trọng. Để cập nhật thông tin nhanh nhất mà vẫn đảm bảo chất lượng, các phóng viên trong tòa soạn báo của ông phải trực liên tục 24/24. Đồng thời đa dạng hóa sản phẩm nội dung, kết nối giữa sản phẩm báo truyền thống với báo chí số và các sản phẩm trên mạng xã hội.

"Câu hỏi chúng tôi luôn đặt ra là: làm thế nào để có đủ nguồn lực giúp phóng viên cân đối thời gian làm việc trước sức ép về thời gian. Làm thế nào để thu được nhiều tiền hơn trên không gian số cho các tòa soạn số?", nhà báo Wu Rui Ming chia sẻ

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương Giang chia sẻ về cách thức mà truyền thông tiếp thị có thể mang lại doanh thu cho các tòa soạn

Đề cập đến câu chuyện nguồn thu cho các tòa soạn số, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương Giang - Chuyên gia truyền thông, sáng lập website Brandingvscopywriting.com - cũng chia sẻ về việc các tòa soạn cần đầu tư cho truyền thông tiếp thị, xây dựng các chiến lược truyền thông tiếp thị dựa trên các trụ cột: (1) Giữ vững tôn chỉ mục đích, nguyên tắc của tòa soạn báo chí, (2) Quan tâm tới nâng cao đổi mới chất lượng sản phẩm tạo sự khác biệt và đáp ứng nhu cầu, xu hướng, (3) Đầu tư cho hệ sinh thái truyền thông số của tòa soạn, giúp lan tỏa các sản phẩm nội dung tới khách hàng, giúp giới thiệu các dịch vụ của tòa soạn, (4) Đội ngũ nhân sự của tòa soạn phải là đại sứ thương hiệu, tạo ra trải nghiệm và điểm chạm tốt cho cả người đọc và khách hàng có nhu cầu dịch vụ quảng cáo truyền thông. Và cuối cùng, (5) tận dụng AI, công nghệ để đo lường, nghiên cứu, phân tích dữ liệu, thói quen của công chúng, khách hàng, để không ngừng đổi mới, sáng tạo, tạo ra giá trị trong sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm.

Hầu hết các đại biểu đóng góp tham luận đều nhấn mạnh tới việc đặt công chúng làm trung tâm, đưa ra định hướng cung cấp các sản phẩm nội dung chuyên biệt và chuyên sâu, với sự đa dạng phong phú về loại hình, phương thức, tập trung vào multimedia... Đồng thời, nhiều tham luận cũng chia sẻ về việc xây dựng các mô hình chuyển đổi số, sử dụng công nghệ số trong vận hành, quản trị tòa soạn và sản xuất nội dung báo chí số. 

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm