Trí tuệ nhân tạo giúp eKYC định danh chuẩn, xác thực nhanh

Tạp chí Nhịp sống số - Mở tài khoản trực tuyến nhờ eKYC (định danh điện tử) đã rút ngắn quy trình xác thực so với trước đây. Nhưng làm sao để eKYC nhận diện chính xác, đảm bảo bảo mật luôn là vấn đề hàng đầu khi tội phạm không ngừng tìm kiếm những “kẽ hở” để tấn công...

Các tổ chức tài chính - ngân hàng luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của tội phạm công nghệ cao. Khi các ngân hàng chuyển mình, số hoá các quy trình kinh doanh thì hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều và tinh vi hơn.

“Kẽ hở” của eKYC dễ bị tội phạm lợi dụng

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 7611/NHNN-TT gửi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thanh toán. Đặc biệt nhấn mạnh, các đơn vị nghiên cứu triển khai trong thời gian sớm nhất biện pháp kỹ thuật, công nghệ về định danh khách hàng bằng eKYC để xác minh lại thông tin khách hàng đúng là chủ tài khoản thanh toán khi có thay đổi về thiết bị nhận mã xác thực OTP, thiết bị thực hiện giao dịch của khách hàng.

Từ đó cho thấy, tương lai eKYC không chỉ giới hạn trong giao dịch trực tuyến, mà còn dần được ứng dụng rộng rãi trong các nghiệp vụ yêu cầu xác minh thông tin khách hàng quan trọng hơn như thanh toán, chuyển tiền, cho vay để thay thế cho những phương thức thông thường (mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP,…).

eKYC
eKYC ngày càng phát huy thế mạnh trong hoạt động tài chính, ngân hàng

Dù mới được áp dụng từ 5/3/2021, kết quả triển khai bước đầu cho thấy việc mở tài khoản thanh toán bằng eKYC đã mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Nhưng để đáp ứng các nghiệp vụ yêu cầu mức độ cao hơn như thanh toán, cho vay…, luồng quy trình eKYC của doanh nghiệp sẽ cần có sự nghiêm ngặt về chống giả mạo.

Thực tế cho thấy, phần lớn eKYC của doanh nghiệp trong khâu đối chiếu người thật và ảnh trên giấy tờ tùy thân đều mới ở mức độ đơn giản như: yêu cầu ảnh chụp chân dung hay những hành động đơn giản. Đối tượng xấu có thể lợi dụng “kẽ hở” này để vượt qua khâu xác minh với nhiều cách như: sử dụng hình ảnh của người khác (sử dụng mặt nạ, ảnh in ra giấy hoặc hiển thị hình ảnh, video trên các thiết bị như điện thoại, máy tính) hoặc sử dụng các giấy tờ quá hạn, photoshop, dán đè ảnh,…

Trước những chiêu trò tinh vi đó, các ngân hàng cần hợp tác với những doanh nghiệp cung cấp giải pháp giàu kinh nghiệm và uy tín để nâng cấp công nghệ, tạo “tường lửa" vững chắc để ngăn chặn những nguy cơ xấu có thể xảy ra.

AI “giải cứu” eKYC trước nguy cơ bị tấn công

Nhận định về việc giảm thiểu rủi ro khi ứng dụng eKYC vào quy trình xác thực khách hàng, ông Nguyễn Tấn Minh – Phó Tổng Giám đốc GMO-Z.com RUNSYSTEM - chia sẻ: “Sự phát triển mạnh mẽ của Trí tuệ nhân tạo trong những năm gần đây đã giải quyết được nhiều bài toán với độ chính xác cao trong cuộc sống, đơn cử như công nghệ Liveness Detection (Xác định thực thể sống). Với giải pháp SmartKYC, chúng tôi kết hợp đồng thời hai hình thức chủ động (Active Liveness) yêu cầu người dùng tham gia vào quá trình kiểm tra sự sống bằng cách thực hiện loạt hành động ngẫu nhiên theo yêu cầu nhằm phòng ngừa giả mạo dùng mặt nạ và hình thức thụ động (Passive Liveness) kiểm tra qua kỹ thuật phân tích, tự động phân biệt được ảnh, video là giả, mặt người là thật. Cùng với các kỹ thuật phát hiện giả mạo khác, SmartKYC có khả năng cảnh báo hơn 30 dấu hiệu giả mạo trên giấy tờ và khuôn mặt.”

SmartKYC của GMO-Z.com RUNSYSTEM có thể phát hiện và loại bỏ dễ dàng các hành vi gian lận khi eKYC nhờ AI

Bên cạnh Module phát hiện giả mạo, SmartKYC được xây dựng dựa trên 2 thành phần chính khác là module OCR (SmartOCR – Sản phẩm đạt Top 10 Sao Khuê 2019 với độ chính xác OCR lên tới 99%) và module kiểm tra khuôn mặt. Trong đó, SmartKYC cho phép nhận dạng 2 khuôn mặt của cùng 1 người ngay cả với dải thời gian chụp rộng (0 - 15 năm). Đồng thời, SmartKYC còn giúp truy xuất 1 khuôn mặt trong kho dữ liệu 10 triệu khuôn mặt chỉ mất chưa đầy 3 giây, giúp doanh nghiệp nhanh chóng phát hiện khách hàng thuộc “danh sách đen”.

SmartKYC là sản phẩm được phát triển bởi GMO-Z.com RUNSYSTEM dựa trên hơn 16 năm kinh nghiệm triển khai dự án công nghệ cho các tổ chức tài chính - ngân hàng lớn đòi hỏi khắt khe về quy trình, tính nghiêm ngặt và bảo mật cao như Bắc Á Bank, MB Bank, Toyota Finance, Cathay Life,…

Có thể bạn quan tâm

Zebra Technologies vừa mới công bố công ty PT Gramedia Asri Media (Gramedia) đã triển khai thành công các giải pháp bán lẻ tích hợp RFID của Zebra tại toàn bộ chuỗi cửa hàng của mình.