Đại diện công ty cho biết: "Điều khoản dịch vụ của chúng tôi cấm hành vi kêu gọi bạo lực. Trong 24 giờ qua, chúng tôi chặn hàng chục kênh công cộng đăng nội dung kích động bạo lực đến hàng nghìn người đăng ký".
Khi được hỏi liệu động thái của Telegram có liên quan đến vụ bạo loạn tại Điện Capitol hôm 6.1 ở Mỹ hay không, đại diện Telegram khẳng định công ty sẽ “kiểm tra tất cả báo cáo vi phạm được gửi đến" và "theo dõi chặt chẽ tình hình hiện tại".
Nhiều tài khoản trên Telegram truyền bá chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và cánh hữu cực đoan. Một trong những nhóm cực đoan đã lên tiếng phàn nàn về lệnh cấm của Telegram, đăng ảnh cờ chữ vạn kèm dòng chú thích "bạn không thể giết chết một ý tưởng". Trước khi bị gỡ xuống, kênh đó có hơn 10.000 người theo dõi.
Nhà hoạt động xã hội Gwen Snyder chính là người khiến Telegram phải ban hành lệnh cấm hàng loạt đối với những kênh khủng bố, cũng chính Snyder đã mở chiến dịch kêu gọi người dùng Twitter báo cáo các tài khoản truyền bá tư tưởng sai lệch trong vụ biểu tình tại Điện Capitol.
Snyder nói với TechCrunch: "Chúng tôi đã theo dõi các kênh truyền bá chủ nghĩa quốc xã trên Telegram nhiều năm. Họ kêu gọi bạo lực và phân biệt chủng tộc, nhưng Telegram không làm gì cả". Nhưng khi hàng loạt người dùng phản ánh về vấn đề này, công ty buộc phải hành động.
Chiến dịch cộng đồng của Gwen Snyder đã có hiệu quả. Cô cho biết: "Telegram cuối cùng cũng phá bỏ mạng lưới của các kênh truyền bá chủ nghĩa quốc xã. Bọn chúng đã tốn nhiều năm trời để kích động hình thức khủng bố mà chúng ta thấy ở thủ đô Mỹ". Snyder hiện là đối tượng bị những kênh khủng bố trên Telegram nhắm tới. Họ chia sẻ địa chỉ nhà, ảnh chân dung của cô trong các nhóm nội bộ và kêu gọi các tín đồ ra tay trừng phạt cô.
Sau khi Tổng thống Donald Trump bị cấm cửa trên các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, nhóm người ủng hộ ông bắt đầu chạy sang các nền tảng cho phép tự do ngôn luận như Telegram.