Sản phẩm mới do doanh nghiệp phát triển thường không thành công. Những ví dụ có thể kể ra như Nintendo Virtual Boy với khả năng hỗ trợ thực tế ảo VR, hay vòng đeo tay theo dõi sức khỏe Nike Fuelband... Hay kinh nghiệm của tập đoàn GE cho thấy, việc chuyển đổi các quy trình nội bộ không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như mong muốn.
Tuy nhiên, sự thất bại của các dự án đã ra mắt chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Theo nghiên cứu do Kaspersky ủy quyền thực hiện với sự tham gia khảo sát của 304 nhà ra quyết định đổi mới cấp cao, giai đoạn phát triển được xem là thách thức nhất trong “vòng đổi mới”. Điều này được xác nhận bởi 36% người tham gia khảo sát dựa trên kinh nghiệm của họ.
Đối với các doanh nghiệp, nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động đổi mới không thành công là do thiếu kế hoạch và cấu trúc rõ ràng, với 19% người được hỏi đồng ý với nhận định này. Điều này có nghĩa là việc hình thành ý tưởng và khả năng thực thi có vai trò quan trọng ngang nhau, từ đó có thể chuyển đổi kế hoạch có giá trị thành giải pháp phù hợp, giúp mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Một khi lộ trình được thiết lập, doanh nghiệp cũng cần thường xuyên xem xét và cập nhật hoạt động của đối thủ cạnh tranh, xu hướng thị trường và các biến động trong ngành.
An ninh mạng không được liệt kê trong số những lý do hàng đầu khiến các dự án thất bại. Tuy nhiên, 74% đồng ý rằng việc không có sự tham gia của Giám đốc an ninh thông tin (CISO) ngay từ đầu làm tăng khả năng đổi mới không thành công. Nguyên nhân của việc này có thể do thiếu khả năng thích ứng giữa các dự án với những quy tắc an ninh mạng nghiêm ngặt, với 54% cho rằng chính sách bảo mật Công nghệ Thông tin trong công ty của họ đã ngăn cản sự đổi mới.
Ông Alexander Moiseev, Giám đốc Kinh doanh của Kaspersky cho rằng: “Để đổi mới, doanh nghiệp nên chấp nhận rủi ro và sẵn sàng đón nhận thất bại trong quá trình thực hiện, vì đó là điều không thể tránh khỏi khi doanh nghiệp đang nghiên cứu một sản phẩm hoàn toàn mới. Tuy nhiên, vẫn có một số bước doanh nghiệp có thể thực hiện để đảm bảo rằng một công nghệ hoặc sản phẩm mới sẽ được ra mắt. An ninh mạng không phải là một rào cản, mà là một phần không thể thiếu của dự án. Hãy đảm bảo luôn cập nhật cho các CISO thông tin ngay từ khi lập kế hoạch thực hiện những đột phá công nghệ cho doanh nghiệp.”.
Nhìn chung, kết quả khảo sát ở khu vực châu Á Thái Bình Dương (APAC) cao hơn một chút so với mức trung bình toàn cầu. 98% người đứng đầu mảng sáng tạo của doanh nghiệp trong khu vực thừa nhận rằng các dự án của họ không có tiềm năng và 40% cho rằng các ý tưởng đổi mới thường không đi quá giai đoạn phát triển.
Khi được hỏi về các yếu tố khiến đổi mới thất bại, 20% cho rằng do thiếu kế hoạch và cấu trúc rõ ràng. 80% cho rằng tỷ lệ thất bại tăng lên khi CISO của doanh nghiệp không tham gia dự án ngay từ đầu.
Ông Stephan Neumeier, Giám đốc điều hành Kaspersky khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Nhờ cơ cấu dân số trẻ và tỷ lệ sử dụng internet ngày càng tăng, có thể xem châu Á Thái Bình Dương là mảnh đất màu mỡ cho những đột phá về công nghệ. Trên thực tế, khu vực này có những cường quốc về đổi mới, đặc biệt là trong công nghệ fintech, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ và Singapore. Mặc dù cuộc khảo sát của chúng tôi cho thấy thực tế rằng các dự án đổi mới không phải lúc nào cũng thành công, nhưng tôi tin rằng khi ngày càng nhiều quốc gia trong khu vực hướng tới xã hội số, nhiều doanh nghiệp sẽ có thể phát triển các sản phẩm và dịch vụ đột phá.”.
“52% người được khảo sát cho rằng chính sách bảo mật Công nghệ Thông tin trong doanh nghiệp ngăn cản sự đổi mới, nhưng với mối liên kết giữa bộ phận nghiên cứu và phát triển và CISO, tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ thấy các công nghệ tiên tiến hơn, bảo mật hơn trong tương lai”, ông nói thêm.
Nghiên cứu do Kaspersky đã ủy quyền cho Savanta - một cơ quan nghiên cứu thị trường độc lập thực hiện, khảo sát về một số lĩnh vực liên quan đến sự đổi mới của công ty. Vào tháng 7/2020, Savanta đã tiến hành khảo sát trực tuyến 304 người đứng đầu mảng sáng tạo của doanh nghiệp làm việc ở Châu Âu, MEA, APAC, LATAM, Bắc Mỹ và CIS. Những người tham gia khảo sát đã làm việc trong nhiều ngành và trong các tổ chức lớn với quy mô hơn 500 nhân viên. Sau các cuộc khảo sát, 15 cuộc phỏng vấn định tính sâu cũng đã được thực hiện với các nhà ra quyết định cấp cao liên quan đến đổi mới, làm việc trong các tổ chức lớn trong nhiều ngành khác nhau. |