Việt Nam có trường cao đẳng đầu tiên đào tạo công nghệ bán dẫn

Tạp chí Nhịp sống số - FPT Polytechnic nhận chuyển giao chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn, đánh dấu việc Việt Nam lần đầu có trường cao đẳng tham gia đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này.

Trường Cao đẳng FPT Polytechnic và tổ chức giáo dục Pearson (Vương quốc Anh) vừa ký kết chuyển giao chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn. Đây là lần đầu tiên chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn chuẩn quốc tế bậc cao đẳng được chuyển giao vào Việt Nam.

Việt Nam có trường cao đẳng đầu tiên đào tạo công nghệ bán dẫn

Theo đó, chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn sẽ được triển khai tại BTEC FPT - trực thuộc FPT Polytechnic. BTEC FPT do đó sẽ chính thức trở thành đơn vị cao đẳng đầu tiên tại Việt Nam đào tạo công nghệ bán dẫn.

Công nghiệp bán dẫn là ngành kinh tế có quy mô hàng tỷ USD. Thế nhưng, ngành công nghiệp này lại đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về nhân lực trầm trọng.

Các chuyên gia dự đoán đến năm 2030, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ cần thêm một triệu nhân sự trên quy mô toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, số lượng nhân sự cho ngành công nghiệp bán dẫn mới chỉ đáp ứng dưới 20% nhu cầu của thị trường. 

Sự hợp tác giữa FPT Polytechnic và Pearson sẽ góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo nhân lực bán dẫn của Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam trong tương lai. 

Sinh viên theo học công nghệ bán dẫn tại BTEC FPT cũng sẽ là một trong những lứa nhân sự đầu tiên tại Việt Nam được đào tạo chính quy, bài bản và có cơ hội nghề nghiệp lớn khi gia nhập ngành. 

Chia sẻ tại sự kiện, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, khẳng định giáo dục đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn. Do vậy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đặt kỳ vọng cao khi chương trình đào tạo nhân lực bán dẫn chuẩn quốc tế được chuyển giao tức thời. 

Trước đó, Trường Đại học FPT cũng đã công bố việc thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn. Định hướng của Khoa là đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu, thiết kế vi mạch. Dự kiến, Khoa Vi mạch Bán dẫn của Đại học FPT sẽ bắt đầu đào tạo lứa sinh viên đầu tiên vào năm 2024. 

Đại học FPT cũng đang lên kế hoạch hợp tác với nhiều trường đại học tại Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) để thiết kế chương trình, giáo trình và chuẩn đào tạo. Đây là hai trong bốn thị trường dẫn đầu về chip và bán dẫn toàn cầu, bao gồm Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hồi tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành nhanh chóng xây dựng và triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Trong đó, Việt Nam dự kiến đào tạo khoảng 30.000 - 50.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Có thể bạn quan tâm

Sáng ngày 13/4, Lễ Vinh danh và Trao Giải thưởng Sao Khuê 2024 cho 169 đề cử xuất sắc từ 117 doanh nghiệp đã được tổ chức, trong đó có nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp đầu hàng như VinBrain, FPT, BIDV, TPBank, OneMount…