Việt Nam đang đứng trước cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế Internet

Việt Nam đang đứng trước cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế Internet
Tạp chí Nhịp sống số - Kinh tế internet, kinh tế số đang có nhiều đóng góp quan trọng vào nền kinh tế toàn cầu cũng như ở từng quốc gia cụ thể. Trước xu hướng này, nhiều quốc gia đã ban hành các chiến lược phát triển kinh tế số từ rất sớm. Tương tự, Việt Nam đang đứng trước cơ hội thúc đẩy nền kinh tế Internet, nhất là các nền tảng chuyển đổi số.

Đó là những thông tin được ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2022 (Vietnam - ASIA DX Summit 2022). 

Theo Báo cáo kinh tế số của Diễn đàn thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD), năm 2019 kinh tế số ICT/VT đóng góp khoảng 4,5% GDP toàn cầu, kinh tế số internet/nền tảng đóng góp 15,5% GDP toàn cầu. Con số tương ứng tại nước Mỹ là 6,9% và 21,6% GDP và tại Trung Quốc là 6% và 30% GDP. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, và nắm bắt xu thế này, một số nước nhận ra cơ hội đã sớm ban hành các chiến lược, chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số của mình, điển hình như: Anh (Digital Economy strategy), Canada (Canada’s Digital Economy Strategy), Australia (National Digital Economy Strategy), Nigeria (National Digital Economy Policy and Strategy), Kenya (Digital Economy strategy), Đài Loan (kế hoạch phát triển kinh tế sáng tạo DIGI 2025), Singapore (Digital Economy Framework for Action), Thái Lan (Thailand Digital Economy and Society Development Plan).

Tại Việt Nam, kinh tế số luôn nằm trong Top đầu của ASEAN về tốc độ phát triển. Theo báo cáo "e-Conomy SEA 2021" do Tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) phối hợp công bố, nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỉ USD, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước, cao gấp 7 lần năm 2015, và dự kiến đạt 57 tỉ USD năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng năm 2021 đạt 31%, và dự kiến sẽ tăng trung bình khoảng 29% một năm đến năm 2025. Báo cáo gần đây của Tổng cục Thống kê cho thấy bức tranh chi tiết hơn. Năm 2021, ước tính kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 163 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP cả nước, trong đó cấu phần kinh tế số Công nghệ thông tin và Viễn thông đạt 126 tỷ USD, chiếm 5,5% GDP, kinh tế số Internet/nền tảng đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP và kinh tế số ngành/lĩnh vực đạt khoảng 23 tỷ USD, chiếm 1,7% GDP. 

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA)

Chia sẻ những thông tin nói trên, ông Nguyễn Văn Khoa nhận định: "Việt Nam đang đứng trước cơ hội thúc đẩy nền kinh tế Internet, nhất là các nền tảng chuyển đổi số".

Diễn đàn cũng đề cập đến mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. 

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, đây là mục tiêu đầy thách thức, nhất là với những ngành truyền thống. Vì thế, cần sự quyết tâm vào cuộc của tất cả mọi đối tượng.

"Các nguồn lực của chúng ta hiện không chỉ thiếu, mà còn bị phân mảnh. Hợp lực giữa Bộ ngành với Bộ ngành, Địa phương với Địa phương, Doanh nghiệp với doanh nghiệp, và giữa các thành phần này với nhau sẽ tạo ra được những chương trình bài bản, có định hướng, những chính sách cởi mở, thông thoáng, và những hệ sinh thái số phù hợp, tối ưu cho các cơ quan, tổ chức Việt Nam", ông Khoa nói. 

Chia sẻ tại diễn đàn, các chuyên gia quốc tế đánh giá cao cơ hội của Việt Nam trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Theo ông David Wong Chủ tịch ASOCIO, Châu Á chiếm 60% người dùng Internet toàn cầu và thương mại điện tử khu vực đã tăng gần gấp đôi. Chuyển đổi số đã thay đổi khu vực Châu Á và tạo ra hàng loạt các thế hệ mới.

"Việt Nam cũng đang trong vị thế chưa từng có để đón nhận được các cơ hội tuyệt vời khi có thế hệ mới tài năng cũng như khát khao để hội nhập với thế giới", ông David Wong nhận định.

Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT)

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT) - đã giới thiệu chi tiết về Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số Việt Nam. 

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, phát triển kinh tế số và xã hội số là đưa các hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số - một môi trường mang tính toàn cầu. Do vậy, Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tham khảo quốc tế một cách có chọn lọc, kết hợp với thực tiễn Việt Nam để xác định tường minh khái niệm về kinh tế số và xã hội số. Điểm cốt lõi, độc đáo và khác biệt của Việt Nam trong phát triển kinh tế số và xã hội số là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. Đây là tinh thần xuyên suốt của Chiến lược. Chiến lược đã nêu tên 54 nền tảng số cụ thể. Trong đó, năm 2022 này xác định 35 nền tảng số ưu tiên triển khai trước. Điểm đột phá là phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ nhu cầu riêng, nhu cầu đặc thù của người dân Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Đường khẳng định: "Với vai trò chủ trì triển khai chiến lược và dẫn dắt chuyển đổi số, Bộ TT&TT mong muốn nhận được sự hợp tác của bộ, ngành, địa phương, xây dựng chương trình hành động triển khai phát triển kinh tế số, xã hội số trong ngành, lĩnh vực mình. Đặc biệt là sự vào cuộc của cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ, phát triển các nền tảng số xuất sắc để triển khai và đạt các mục tiêu mà chiến lược đề ra".

Có thể bạn quan tâm

Việc có giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G là bước ngoặt để doanh nghiệp có thể làm các thủ tục triển khai dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng.