Việt Nam tổ chức đào tạo chuyên gia thiết kế vi mạch số

Tạp chí Nhịp sống số - Khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam về thiết kế chip, góp phần đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường bán dẫn.

Sáng 17/2, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức Lễ Khai giảng Chương trình đào tạo Thiết kế vi mạch số tại Hà Nội. Lễ khai giảng đánh dấu khởi đầu cho chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn Việt Nam.

đào tạo chuyên gia thiết kế chip bán dẫn
Lễ Khai giảng Chương trình đào tạo Thiết kế vi mạch số.

Chương trình đào tạo được thiết kế theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, sử dụng phần mềm chuyên dụng của Cadence, được giảng dạy song ngữ Việt - Anh, bởi các chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch từ Dolphin. Chương trình bao gồm 40 suất học bổng được trao cho các học viên với trị giá 30 triệu đồng/khóa.

Các học viên tham gia học tập trung tại Đại học Bách khoa Hà Nội trong 3 tháng. Khóa học được thiết kế với mục tiêu cung cấp cho học viên những kiến thức nền tảng về thiết kế vi mạch, kỹ năng thực hành và tư duy sáng tạo cần thiết để làm việc trong lĩnh vực bán dẫn.

Khóa đào tạo là bước khởi đầu nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường bán dẫn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong nước, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Nước ta có vị trí địa chính trị chiến lược, có lực lượng lao động trẻ dồi dào am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hiện đại, thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Nhận thức được những tiềm năng trên, thời gian qua Bộ Chính trị đã Ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW với nhiều điểm đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn.

Triển khai Đề án “Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, NIC đã và đang phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ và khối viện trường để đẩy mạnh các chương trình kết nối, thúc đẩy đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Ông Vũ Quốc Huy cho hay, chương trình đào tạo thiết kế vi mạch là một giải pháp để phát huy khâu đột phá về giá trị con người Việt Nam trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Đây còn là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Mục tiêu Việt Nam đặt ra là đào tạo 50.000 kỹ sư, cử nhân cho ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có 15.000 cho công đoạn thiết kế sẽ sớm đạt được. Các giảng viên, sinh viên xuất sắc tham gia chương trình chính là những những kiến trúc sư kiến tạo tương lai công nghệ của Việt Nam”, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia nói.

Tại lễ khai giảng, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Giảng viên Trường Đại học Kỹ thuật Hậu cần Công an Nhân dân, một trong những học viên của chương trình đào tạo thiết kế vi mạch cho biết, bà mong muốn được trau dồi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới, qua đó góp phần đưa công nghệ tiên tiến vào giảng dạy và thực tiễn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm