VinFast tham vọng đưa tỷ lệ nội địa hoá xe điện lên 84% trong 2 năm tới

Tạp chí Nhịp sống số - VinFast đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hoá xe điện lên hơn 80% trong 2 năm tới. Tỷ lệ nội địa hoá các mẫu xe điện hiện nay đạt 60%, theo công bố của hãng.

Tỷ lệ nội địa hoá xe điện VinFast sẽ đạt 84% vào năm 2026

Theo ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Nhà máy VinFast Việt Nam, hiện tỷ lệ nội địa hóa của xe điện VinFast là hơn 60%, trong đó nhiều chi tiết quan trọng như thân vỏ, động cơ, trần xe, giảm xóc.

VinFast sẽ nâng tỷ lệ nội địa hoá xe điện lên hơn 80% trong 2 năm tới. Để làm được điều này, VinFast sẽ sản xuất và cung ứng trong nước thêm các chi tiết như: Ghế xe, dây điện, đèn xe, vành xe, hệ thống phanh - lái, các linh kiện nội thất và ngoại thất, kính gương…Tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt 84% vào năm 2026 khi VinFast sản xuất được pin điện, một trong những linh kiện có giá trị cao nhất trong xe điện”, ông Lê Ngọc Anh cho biết.

Nội địa hoá xe điện VinFast
Tỷ lệ nội địa hoá xe điện VinFast hiện đạt 60%. Ảnh: Phúc Vinh

Hiện, VinFast dành ra hơn 30% diện tích trong khuôn viên tổ hợp để phát triển khu công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng. Hãng xe điện Việt chủ động sản xuất các cấu phần quan trọng như thân vỏ, động cơ… nhờ các xưởng sản xuất có mức độ tự động hóa trên 90%.

Để đảm bảo lộ trình nâng tỷ lệ nội địa hoá thành công, đại diện nhà máy VinFast cho biết sẽ tận dụng mạng lưới doanh nghiệp phụ trợ sẵn có để tối ưu hóa nguồn cung trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Kết hợp với các doanh nghiệp Việt Nam đã có kinh nghiệm sản xuất phụ tùng, linh kiện hoặc các lĩnh vực hỗ trợ như logistics, lắp ráp, gia công… nhằm giảm chi phí vận chuyển, tăng tốc độ cung ứng, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.

VinFast cho biết sẽ hợp tác với các doanh nghiệp FDI đã có tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ hoặc sản xuất linh kiện, giúp tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ cao và kỹ năng quản lý hiện đại. Đồng thời đẩy mạnh kêu gọi đầu tư và hợp tác chuyển giao công nghệ.

Vì sao công nghiệp phụ trợ ô tô tại Việt Nam chưa phát triển?

Theo thống kê của Bộ Công thương, Việt Nam hiện có hơn 377 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô trong đó có khoảng 169 doanh nghiệp FDI. Trong số này có 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe và 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...

Số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô chỉ chưa đến 100 nhà cung cấp cấp 1, 150 nhà cung cấp cấp 2 và 3. Giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong khi các doanh nghiệp phụ trợ có nguồn vốn đầu tư nước ngoài được hưởng ưu đãi. Với ưu đãi như vậy, thì các ngành phụ trợ ở Việt Nam không thể có cơ hội phát triển được khi chúng ta vẫn chịu mức thuế cao hơn, ban đầu là 25%, sau đó 22%, rồi 17% thuế thu nhập doanh nghiệp... trong khi doanh nghiệp nước ngoài là 10%.

“Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam thực sự là bài toán khó, và cũng vì thế nên công nghiệp hóa của Việt Nam không thực hiện được theo tiến độ”, chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết.

Ông Trần Quốc Minh Đăng, Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Ý Chí Việt - một nhà cung ứng nội địa đang hơn 80 linh kiện vs hơn 60 khung nhựa cho xe điện VinFast cbho biết: “Sản xuất linh kiện ô tô đòi hỏi tinh túy, kiểm soát chất lượng khắt khe, nguồn tài chính lớn nên đây cũng là cơ hội lửa thử vàng, đặc biệt là với ngành công nghiệp ô tô nhiều năm bị coi là ốc vít cũng không làm được”

Theo nhận định từ các chuyên gia, VinFast có thể tạo động lực cho chuỗi cung ứng Việt Nam. Đây là cơ hội lớn đặc biệt là khi sản lượng xe điện các năm tiếp theo của VinFast là rất lớn.

Có thể bạn quan tâm