Ngành công nghiệp ngàn tỷ USD
Năm 2023, giá trị ngành công nghiệp AI đạt gần 208 tỷ USD. Thị trường AI toàn cầu dự kiến đạt giá trị 1.350 tỷ USD vào năm 2030, sự phát triển của công nghệ AI có tiềm năng đóng góp 15.700 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
Việt Nam gia nhập ngành công nghiệp giàu tiềm năng này bằng việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm và nhân lực. Đồng thời, ứng dụng AI vào các lĩnh vực của cuộc sống ngày càng rộng rãi. Sự bùng nổ của công nghệ AI tại Việt Nam mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng xuất hiện mặt trái, đặt ra những vấn đề về chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Trong Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos năm 2024, Giám đốc điều hành Microsoft, ông Satya Nadella cảnh báo: “Thế giới phải tính đến tất cả lợi ích và cả những hậu quả không lường trước mà bất kỳ công nghệ mới nào cũng có thể tạo ra, thay vì chờ đợi những hậu quả không lường trước xuất hiện rồi mới giải quyết chúng. Chủ động quản lý rủi ro từ AI là điều nên làm”.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng nhấn mạnh những rủi ro mà AI gây ra đối với nhân quyền, quyền riêng tư cá nhân và xã hội, cũng như kêu gọi khu vực tư nhân phối hợp cùng các bên liên quan để phát triển mô hình quản trị “kết nối và thích ứng” cho AI.
“Chúng tôi cần các chính phủ khẩn trương hợp tác với các công ty công nghệ về khuôn khổ quản lý rủi ro cho sự phát triển AI, cũng như giám sát và giảm thiểu tác hại trong tương lai. Thế giới cần tăng cường khả năng tiếp cận AI để các nền kinh tế đang phát triển có thể khai thác tiềm năng to lớn của nó”, ông Antonio Guterres nhấn mạnh.
Nhiều quốc gia đã và đang nghiên cứu các đạo luật về AI. Trong một diễn biến mới, cuối tháng 3/2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết toàn cầu đầu tiên về AI, nhằm kêu gọi các nước chung tay bảo vệ quyền con người, bảo vệ dữ liệu cá nhân và kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn từ công nghệ này. Nghị quyết được thông qua với sự đồng thuận của toàn bộ 193 nước thành viên Liên hợp quốc, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các chính sách về quyền riêng tư.
Cũng trong tháng 3/2024, Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) thông qua Đạo luật Trí tuệ nhân tạo (AI Act), là đạo luật về AI đầu tiên trên thế giới. Đạo luật này đặt ra cả ranh giới “cứng” và cơ chế “mềm” mà Việt Nam có thể tham khảo để xây dựng chính sách đối với công nghệ AI.
Xây dựng pháp lý cho AI
Trong Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 đã nêu, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, với AI, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi, nhưng phải đảm bảo hai yếu tố. Một mặt, chúng ta xây dựng hành lang thông thoáng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong việc nghiên cứu phát triển ứng dụng vào đời sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nhưng một mặt, do mặt trái của AI, chúng ta phải triển khai làm sao có trách nhiệm, phù hợp với thực tiễn, văn hóa Việt Nam.
“Việc phát triển công nghệ số phải song hành cùng trách nhiệm và đạo đức”, ông Giang nhấn mạnh.
Còn Bộ Thông tin và Truyền thông xác định, AI là công nghệ quan trọng nhất giai đoạn hiện nay. Trong năm 2024, ngành thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục thúc đẩy, phát triển ứng dụng AI, nhất là AI hẹp, tạo ra những ứng dụng AI trong từng lĩnh vực công nghiệp, cung cấp và phổ cập ứng dụng dịch vụ AI trên cả nước. Bộ cũng đang báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số, nhằm tạo không gian phát triển mới cho công nghệ số, trở thành lực lượng sản xuất mới, nguồn lực sản xuất mới, yếu tố sản xuất mới và là động lực mới của đất nước.
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Bộ được giao nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về thiết lập và chia sẻ dữ liệu, về các khung thể chế thử nghiệm (sandbox), tạo ra một không gian thử nghiệm thuận lợi với khung chính sách pháp lý riêng để tiến hành thử nghiệm trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực có tiềm năng.
Bộ cũng giao Cục Chuyển đổi số quốc gia chủ trì thử nghiệm triển khai mô hình ngôn ngữ lớn và trợ lý ảo, xây dựng bộ Benchmark (một công cụ chiến lược, được sử dụng để so sánh hiệu suất của các quy trình, sản phẩm, dịch vụ của một doanh nghiệp với hiệu suất của các công ty tốt nhất trong và ngoài ngành) để đánh giá chất lượng các LLM (large language models - các mô hình ngôn ngữ lớn) và TLA đã triển khai, dự kiến ban hành trong năm 2024.
“Quan điểm xuyên suốt trong việc xây dựng quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo là phát triển và ứng dụng AI, lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bộ đã làm việc với các doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp cam kết đồng hành trong việc xây dựng môi trường pháp lý bảo đảm quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng”, ông Tiến khẳng định.
Tháng 2/2024, ASEAN công bố Bản hướng dẫn về quản trị AI và đạo đức, tìm cách thúc đẩy việc sử dụng công nghệ này một cách có trách nhiệm trong các cơ quan trực thuộc chính phủ và các doanh nghiệp.
Tại Mỹ, các nhà lập pháp ở ít nhất 7 bang cũng đang nghiên cứu luật AI riêng, trong bối cảnh ngày 30/10/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro mà AI có thể gây ra, thiết lập các tiêu chuẩn mới về an toàn và bảo mật, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh trong lĩnh vực AI.
Trước đó, Trung Quốc ban hành Hướng dẫn về tiêu chuẩn quản trị AI có đạo đức.