Sự phổ biến rộng rãi của các công cụ AI tạo sinh (Generative AI) sẽ là xu hướng công nghệ 2024 rõ nét tại thị trường Việt Nam, đây là nhận định của ông Bee Kheng - Chủ tịch phụ trách khu vực ASEAN, Tập đoàn Cisco.
Cụ thể, ông Bee Kheng cho rằng, trong một thập kỷ vừa qua, trí tuệ nhân tạo AI ngày càng trở nên phổ biến và được ứng dụng nhiều hơn. Tiềm năng của AI đang thu hút nhiều sự chú ý hơn nhờ vào sự phổ biến rộng rãi của Generative AI và điều này sẽ còn tiếp tục tăng tốc trong năm 2024.
Dưới đây là một số dự báo về xu hướng công nghệ 2024 cũng như những vấn đề liên quan về kinh doanh mà các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng để vận hành hiệu quả, theo Cisco.
Xu hướng công nghệ 2024: AI sẽ trở thành "nhất định phải có"
Ngành công nghiệp AI dự kiến sẽ tăng từ 95,06 tỷ USD lên 1,8 nghìn tỷ USD vào năm 2030, dự kiến sẽ là một trong những động lực chính của nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới. Đáng nói là, chỉ số sẵn sàng AI đầu tiên của Cisco cho thấy chỉ 27% tổ chức ở Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ để triển khai và tận dụng AI, trong đó 84% nghiêm túc thừa nhận quan ngại về tác động của AI đối với hoạt động kinh doanh nếu họ vẫn bị động trong 12 tháng tới.
Tín hiệu tích cực là việc nắm bắt AI đã trở thành điều cấp thiết và hầu hết các công ty đã và đang thực hiện những bước đầu tiên. Hầu hết (99%) các tổ chức đều cho biết công ty của họ đã cấp tập triển khai các công nghệ hỗ trợ bởi AI trong sáu tháng qua. 99% các tổ chức đã có sẵn chiến lược AI mạnh mẽ hoặc đang trong quá trình phát triển chiến lược này. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khoảng cách đáng kể giữa các trụ cột kinh doanh quan trọng khác như cơ sở hạ tầng, dữ liệu, quản trị, nhân tài và văn hóa...
Quản trị trên cơ sở của lòng tin và sự minh bạch
Mặc dù hầu hết các tổ chức ở Việt Nam đều nhận thức được tầm quan trọng của quản trị AI nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Quyền riêng tư dữ liệu là một rủi ro chính, chỉ có 35% tổ chức tham gia khảo sát cho biết họ có các chính sách và quy tắc AI rất toàn diện.
Cùng đó, sai lệch dữ liệu cũng là một vấn đề cần quan tâm khi có chưa đến ¼ (21%) các tổ chức không có hệ thống để phát hiện các sai lệch dữ liệu.
Khi tác động của AI ngày càng lớn, các khung pháp lý sẽ tiếp tục phát triển theo, khiến các công ty bắt buộc phải cập nhật các quy định liên quan ở cả địa phương và quốc tế, đồng thời triển khai các chính sách nội bộ để kịp thời giải quyết vấn đề quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, cũng như việc sử dụng AI một cách có trách nhiệm và đạo đức. Điều này bao gồm việc triển khai các biện pháp an ninh mạng cứng rắn nhằm xem xét các lỗ hổng tiềm ẩn do hệ thống AI gây ra cũng như liên tục đào tạo và nâng cao kỹ năng để đảm bảo nhân viên đủ năng lực xử lý rủi ro.
Kỷ nguyên mới của hạ tầng mạng trực giác
Trong các xu hướng công nghệ 2024, không thể không nhắc đến việc xây dựng một mạng lưới hiện đại và thông minh sẽ trở thành một phần quan trọng trong sự phát triển của các công ty. Vì khả năng mở rộng và tích hợp mạng của họ với khối lượng công việc AI hoặc công nghệ mới nổi khác có thể là điểm khác biệt duy nhất dẫn lối họ đến thành công trong việc tận dụng AI và đổi mới. Các công ty sẽ nhận ra sự cần thiết của các nền tảng bảo mật tích hợp có thể cung cấp khả năng hiển thị đầu cuối toàn bộ chuỗi cung ứng theo thời gian thực cho tổ chức của họ. Điều này càng đặc biệt cần thiết khi an ninh mạng ngày càng trở nên phức tạp hơn trong môi trường đa ứng dụng và đa đám mây, cũng như khi nhân viên làm việc từ các địa điểm khác nhau, kết nối nhiều mạng và truy cập thông tin trên nhiều nền tảng khác nhau.
Cần đưa ra những tính toán và đánh giá sự tiến bộ trong hành động vì khí hậu
Cùng đó, việc đảm bảo các tiêu chí xanh và hướng tới phát triển bền vững cũng được xem là một nội dung quan trọng trong xu hướng công nghệ 2024. Việc yêu cầu báo cáo bắt buộc về khí hậu sẽ là vấn đề cần tranh luận khi các cơ quan quản lý vào cuộc để biến kế hoạch thành kết quả cụ thể. Các công ty sẽ phải đối mặt với áp lực phải đạt được tiến bộ trên hành trình phát triển bền vững khi công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp khả năng hiển thị và phân tích sâu từ trung tâm dữ liệu đến các cơ sở hoạt động của công ty nhằm giúp họ đo lường chính xác lượng khí thải, từ đó lập kế hoạch tạo ra các tòa nhà thông minh và không gian làm việc thông minh.
Các nhà cung cấp dịch vụ cũng sẽ chịu trách nhiệm về các mục tiêu bền vững của mình, bằng cách tìm cách tăng công suất và khả năng mở rộng cơ sở hạ tầng để tăng cường khối lượng công việc đồng thời giảm tiêu thụ năng lượng.
Con người vẫn là cốt lõi để chuyển đổi số thành công
Trong khi ngành công nghệ tiếp tục phát triển, nhu cầu tuyển dụng cao nhưng nguồn nhân lực thì vẫn thiếu. Điều này mang đến cơ hội cho các tổ chức đào tạo các chuyên gia công nghệ sẵn sàng cho tương lai.
Đó cũng chính là lúc những chương trình skills-to-job như Cisco Networking Academy có thể giúp thu hẹp khoảng cách nhân tài công nghệ hiện tại. Chương trình đã hợp tác với các tổ chức giáo dục đại học để trang bị cho hơn 74.000 sinh viên tại Việt Nam những kỹ năng được săn đón nhiều trong ngành như an ninh mạng, khoa học dữ liệu và kết nối mạng. Chương trình này cũng đặt ra mục tiêu đào tạo 6,7 triệu người ở Châu Á Thái Bình Dương về kỹ năng số và an ninh mạng vào năm 2032.
Ngoài việc nuôi dưỡng nguồn nhân tài mạnh mẽ, các tổ chức cũng cần đảm bảo rằng họ xây dựng nền văn hóa phù hợp, có mục đích. Điều này giúp các nhóm kết nối với nhau và với công ty khi họ định hướng trong môi trường kinh tế vĩ mô phức tạp, đồng thời cho thấy khả năng thích ứng với một thế giới luôn thay đổi và sự hỗ trợ của các bên liên quan.