ZTE bị phạt 1,2 tỷ USD vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên

ZTE bị phạt 1,2 tỷ USD vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên
Tạp chí Nhịp sống số - Công ty công nghệ Trung Quốc ZTE đã nhất trí nộp phạt 1,2 tỷ USD vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên.

ZTE bị phạt 1,2 tỷ USD vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên

Theo tin từ CNN, các nhà điều tra Mỹ cáo buộc lãnh đạo ZTE đã thông đồng để xây dựng mạng viễn thông ở Iran bằng thiết bị sản xuất tại Mỹ. Ngoài ra, ZTE cũng bị cáo buộc thực hiện 283 chuyến vận chuyển thiết bị nhạy cảm, bao gồm bộ định tuyến (router), bộ vi xử lý, và máy chủ sản xuất tại Mỹ tới Triều Tiên.

“Chúng tôi xin thông báo với thế giới: trò chơi đã kết thúc”, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói trong một tuyên bố. “Những ai vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế và luật kiểm soát xuất khẩu của chúng tôi sẽ không thể tránh được việc bị trừng phạt. Họ sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng nhất”.

Mỹ cho rằng các lãnh đạo cấp cao nhất của ZTE thừa biết về hoạt động của công ty này ở Iran - chuyện đã bị báo chí phát hiện vào năm 2012. Các nhà điều tra cho biết, khi sự việc bị lộ, ZTE cam kết đã chấm dứt hoạt động ở Iran, nhưng sau đó công ty này vẫn bí mật nối lại các giao dịch với Iran vào năm 2013.

“ZTE thừa nhận sai lầm, nhận trách nhiệm, và tiếp tục cam kết có những thay đổi tích cực trong công ty”, Giám đốc điều hành (CEO) ZTE, ông Zhao Xianming, nói trong một tuyên bố.

Tháng trước, ZTE đã cảnh báo về việc hãng có thể lĩnh án phạt ở Mỹ và án phạt này sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Theo dữ liệu của Thomson Reuters, ZTE hiện có giá trị vốn hóa thị trường khoảng 60 tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 8,7 tỷ USD.

ZTE, công ty có trụ sở ở Thẩm Quyến, Trung Quốc - sản xuất nhiều sản phẩm điện tử tiêu dùng, trong đó có điện thoại thông minh (smartphone), nhưng được biết đến nhiều hơn với các sản phẩm thiết bị mạng viễn thông.

Mỗi năm, ZTE mua khoảng 2,6 tỷ USD linh kiện từ các công ty công nghệ Mỹ, trong đó có Qualcomm, Microsoft, và Intel.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.