2023: Ngành Bán lẻ tiếp tục mở rộng với đa kênh

Tạp chí Nhịp sống số - Bức tranh tổng quan của ngành bán lẻ năm 2022 vừa qua cho thấy nhiều sự khởi sắc so với năm 2021 - về doanh thu, quy mô kinh doanh cũng như kênh bán hàng, vận chuyển và thanh toán.

Ngành bán lẻ ghi nhận nhiều kết quả khả quan từ nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19. Cùng đó là những xu hướng mới nổi gắn với các giải pháp công nghệ hỗ trợ. 

Mới đây, nền tảng quản lý và bán hàng Sapo vừa công bố kết quả khảo sát trên 15.000 nhà bán lẻ là khách hàng trên toàn quốc về tình hình kinh doanh năm 2022. Kết quả cho thấy, tình hình kinh doanh ngành bán lẻ năm 2022 có nhiều sự khởi sắc so với năm 2021 về doanh thu, quy mô kinh doanh cũng như kênh bán hàng, vận chuyển và thanh toán. Đáng chú ý, xu hướng bán lẻ đa kênh ngày càng được nhân rộng.

2023: Ngành Bán lẻ tiếp tục mở rộng với đa kênh

2022 - năm phục hồi của ngành bán lẻ 

Theo báo cáo Tình hình kinh tế xã hội năm 2022 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm 2021 do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Trong đó, ngành bán lẻ tăng cao (10,15%), đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị toàn nền kinh tế; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ (40,61%). Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 15% so với năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Sự phục hồi chung của nền kinh tế đã thúc đẩy ngành bán lẻ tăng trưởng trở lại. Khảo sát 15.000 nhà bán hàng của Sapo cho thấy, tuy 42% nhà bán hàng ghi nhận sự sụt giảm doanh thu so với năm 2021, tình hình chung năm 2022 là sự phục hồi về doanh thu. Tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu chiếm 37,72%, cao hơn năm 2021 (23,88%) và năm 2020 (30.7%). Số lượng nhà bán hàng có sự tăng trưởng trên 30% doanh thu chiếm 6,36%.

Trong số các nhà bán lẻ có sự tăng trưởng doanh thu năm 2022, phần lớn trong số họ đang kinh doanh trong lĩnh vực Thời trang - Phụ kiện, Mỹ phẩm, Tạp hóa - siêu thị mini và Đồ chơi. Các nhà bán lẻ ghi nhận doanh thu giảm sút trên 30% chủ yếu kinh doanh trong nhóm ngành Đồ gia dụng, sinh hoạt; Đồ mẹ và bé; Thuốc và thực phẩm chức năng.

Để đạt được kết quả kinh doanh tăng trưởng như năm 2022, các nhà bán hàng đã sử dụng phương thức kích thích sức mua, đẩy hàng tồn và khai thác lợi thế kinh doanh tốt hơn. Trong đó, 65,58% nhà bán hàng tạo các chương trình khuyến mại giảm giá, tặng quà, tặng thêm sản phẩm; 22,64% nhà bán hàng áp dụng chương trình tích điểm khi mua hàng, đổi quà dành cho khách hàng thân thiết; 10,69% nhà bán hàng sử dụng phương thức chăm sóc khách hàng sau bán như gửi tin nhắn chúc mừng sinh nhật, cập nhật thông tin khuyến mại. Chỉ 1,09% nhà bán không có phương án cụ thể để thúc đẩy doanh thu.

Nhà bán hàng chưa sẵn sàng chi cho marketing 

Các nhà bán hàng không sẵn sàng chi quá nhiều cho hoạt động marketing, phần lớn ngân sách marketing chiếm dưới 10% doanh thu (58,3%), tỷ lệ nhà bán hàng chi tiêu ngân sách cho marketing chiếm 10-20% doanh thu là 32,4%; tỷ lệ nhà bán hàng chi tiêu ngân sách cho marketing chiếm 10-20% doanh thu chỉ là 9,3%.

3 kênh marketing được ưa chuộng nhất trong ngành Bán lẻ và được đổ nhiều chi phí là: Quảng cáo trên mạng xã hội, Tiếp thị tại cửa hàng, Quảng cáo trên sàn thương mại điện tử.

Trong năm 2022 ghi nhận sự phát triển vượt bậc của kênh marketing qua Người nổi tiếng/ Người ảnh hưởng (KOL)/ Người tiêu dùng chủ chốt (KOC), hình thức đa dạng, sáng tạo; chất lượng được gia tăng. Tỷ lệ nhà bán hàng đang sử dụng kênh này chiếm 7,37%. Đồng thời, kênh này cũng vượt qua kênh Quảng cáo trên sàn thương mại điện tử, lọt top 3 kênh marketing được đánh giá hiệu quả cao nhất (sau Tiếp thị tại cửa hàng và Quảng cáo trên Mạng xã hội). Dự đoán trong năm 2023, lĩnh vực sáng tạo nội dung số hay xu hướng thương mại giải trí sẽ tiếp tục lên ngôi. Mỏ vàng kinh doanh online sẽ tiếp tục được khai thác theo chiều hướng mang lại trải nghiệm ấn tượng và mới mẻ cho người tiêu dùng.

Bán hàng đa kênh tiếp tục chiếm ưu thế 

Xu hướng mở rộng bán hàng đa kênh vẫn được thể hiện rõ rệt. Theo khảo sát, 57,65% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất hai kênh - tại cửa hàng và một số kênh online. Tỷ lệ người kinh doanh chỉ bán offline tại cửa hàng chiếm 23,71% và người kinh doanh chỉ bán online chiếm 17,35%.

Mặt khác, bán hàng đa kênh thể hiện ưu thế về doanh thu so với các nhà bán hàng chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng hoặc chỉ bán online. Người bán hàng đa kênh ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu chiếm 68,01%, trong khi đó tỉ lệ này với người bán hàng online là 16,9% và người chỉ bán tại cửa hàng là 15,07%

Trong số các kênh bán hàng trực tuyến, sàn Thương mại điện tử được ưa chuộng nhất với tỷ trọng 49,69% nhà bán hàng sử dụng, tiếp đó là mạng xã hội Facebook (39,13%), website (9,94%). TikTok Shop - kênh bán hàng mới xuất hiện trong năm 2022 hiện chỉ chiếm 1,24% tỷ trọng nhưng đang là xu hướng khai thác và chuyển dịch của nhà bán hàng.

Trong số những nhà bán hàng chỉ kinh doanh trực tuyến hoàn toàn, tỷ lệ có sự tăng trưởng doanh thu so với 2021 nhiều nhất đến từ sàn thương mại điện tử (43,75%). Trong khi đó, phần lớn nhà bán hàng trên Facebook (mạng xã hội) cho biết họ ghi nhận sự sụt giảm doanh thu từ 10-30%

Tuy nhiên, khi đánh giá tổng quan mức độ hiệu quả của các kênh bán hàng, kênh bán tại cửa hàng vẫn được ưa chuộng nhất (đạt 7,2/ 10 điểm). Xếp thứ 2 là kênh mạng xã hội đạt 6,9 điểm, sàn thương mại điện tử đạt 6,67 điểm, website chiếm 5,76 điểm.

Trong ngành Dịch vụ lưu trú và ăn uống, kênh bán tại cửa hàng cũng được đánh giá cao nhất với 8,83/ 10 điểm, kênh mạng xã hội đạt 6,2 điểm, kênh ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến đạt 5,8 điểm, kênh website chỉ đạt 5,1 điểm. Tuy vậy, kênh bán hàng online được ưu tiên sử dụng nhất lại là ứng dụng đặt đồ ăn online (như Grabfood, Shopee Food, Baemin, Gojek, Loship,...), chiếm tỷ trọng 55,6%.

Theo thống kê qua khảo sát của Sapo, mô hình cửa hàng có dưới 5 nhân viên chiếm tỉ trọng cao nhất trong ngành bán lẻ (62,07%), cửa hàng có 5-10 nhân viên chiếm 21,12%, cửa hàng trên 10 nhân viên chiếm 7,33%. Có thể thấy, phổ biến trong ngành bán lẻ là cửa hàng quy mô vừa và nhỏ, chủ cửa hàng coi kinh doanh là công việc chính và trực tiếp tham gia vào quá trình bán hàng; nên nhóm này thường không thuê nhiều nhân viên. Đáng chú ý, tỉ lệ cửa hàng tự vận hành (không có nhân viên, chủ cửa hàng kiêm nhiệm nhiều vị trí) trong ngành Bán lẻ (11,9%) cao hơn ngành FnB (3%).

Có thể bạn quan tâm

Vừa qua, tại Lễ vinh danh và trao giải thưởng Sao Khuê 2024 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, SeAMobile Biz - ứng dụng ngân hàng số dành cho doanh nghiệp của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB) đã được bình chọn là sản phẩm xuất sắc của ngành phần mềm, CNTT Việt Nam và được công nhận đạt giải thưởng Sao Khuê 2024.