5G là động lực thúc đẩy kinh tế số phát triển

5G là động lực thúc đẩy kinh tế số phát triển
Tạp chí Nhịp sống số - Không chỉ là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số, 5G còn trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số toàn cầu.

Tại tọa đàm “Thương mại hóa 5G, xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam” vừa được Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức ngày 26/12 tại Hà Nội, ông Hidetaka Shiraishi, Giám đốc cấp cao tiếp thị và triển khai 5G trên toàn cầu của Huawei Technologies, đã cập nhật tình hình triển khai 5G trên thế giới, cũng như chia sẻ một số kinh nghiệm khi triển khai 5G.

5G là động lực thúc đẩy kinh tế số

Ông Shiraishi nhận định, những năm qua, thế giới ghi nhận chuyển đổi trong hành vi của khách hàng và cuộc sống của mỗi người, cách chúng ta làm việc, sử dụng phương tiện truyền thông, giải trí. Dữ liệu trở thành tài nguyên cốt lõi mới của chuyển đổi số và kinh tế số.

Nếu như kinh tế truyền thống xây dựng và dựa vào nguồn tài nguyên như quặng, khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch, kinh tế số lại sử dụng dữ liệu. 5G cho thấy nó là một yếu tố quan trọng cho sự chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế kỹ thuật số một cách rõ rệt hơn.

Trong kỷ nguyên mà dữ liệu truyền đi tính bằng Gigabit mỗi giây, không chỉ người dùng băng rộng di động bị ảnh hưởng sâu sắc mà cả các ngành công nghiệp khác nhau. Họ tích hợp dịch vụ đám mây vào hoạt động, trong khi các nền tảng video như TikTok chứng kiến tăng trưởng theo cấp số nhân, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ còn các lĩnh vực truyền thống như vận tải, sản xuất, logistics... được vận hành thông minh, cho thấy hiệu quả sản xuất và tiết kiệm năng lượng. Tất cả đều đã đang và sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Hidetaka Shiraishi, Giám đốc cấp cao tiếp thị và triển khai 5G trên toàn cầu của Huawei Technologies, chia sẻ tại tọa đàm.
Ông Hidetaka Shiraishi, Giám đốc cấp cao tiếp thị và triển khai 5G trên toàn cầu của Huawei Technologies, chia sẻ tại tọa đàm

“5G là yếu tố quan trọng của chuyển đổi số. Nhưng thực tế, 5G thậm chí còn có nhiều giá trị hơn thế. 5G đã trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số”, đại diện Huawei chia sẻ.

Thế giới hiện có hơn 260 mạng 5G với 1,5 tỷ người dùng. Chỉ mất 5 năm để mạng 5G phủ sóng 50% dân số, nhanh hơn 4G hai năm. Thời gian cán mốc 1 tỷ người dùng của 5G cũng nhanh hơn ba năm so với 4G.

Hệ sinh thái di động đóng góp rất lớn vào tăng trưởng của kinh tế số tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC). Theo báo cáo của Hiệp hội GSM, tăng trưởng 5G có thể tăng từ 4% năm 2022 lên 41% năm 2030.

Châu Á – Thái Bình Dương đang ứng dụng 5G như thế nào?

Tại khu vực APAC, 5G được triển khai thành công và tạo ra nhiều việc làm mới (11 triệu việc làm năm 2022), các loại hình kinh doanh mới như giao đồ ăn, thương mại mạng xã hội hay dịch vụ xe công nghệ tăng trưởng mạnh.

5G còn được ứng dụng thành công trong các ngành công nghiệp như y tế, dầu khí, khí đốt, sản xuất. Việc đầu tư liên tục vào công nghệ thông tin sẽ đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tại Thái Lan, khi nhà mạng dự báo doanh thu giảm do Covid-19, thực tế, họ lại ghi nhận doanh thu tăng bất chấp đại dịch nhờ vào lưu lượng truy cập 5G tăng.

Thái Lan triển khai 5G từ năm 2020 và đến quý III năm 2023 đã có 16 triệu thuê bao 5G, tỷ lệ tiếp cận 25% trên tổng số thuê bao di động. 5G đã phủ sóng đến 85% dân số Thái Lan.

Hành vi của khách hàng cũng thay đổi: trong vòng ba năm, doanh thu từ các thuê bao trả sau tăng từ 21% lên 53%. 5G cũng giúp nhà mạng cung cấp dịch vụ mới dành cho các ngành công nghiệp khác nhau, nhắm vào khách hàng doanh nghiệp. Chẳng hạn, hãng viễn thông AIS gia nhập các ngành công nghiệp như cảng biển, khai mỏ, sản xuất, y tế thông minh. Công ty đạt doanh thu 5 triệu USD từ khách hàng doanh nghiệp (toB) và dự kiến sẽ tăng lên 20 triệu USD năm 2025.

5G còn được ứng dụng trong lĩnh vực y tế ở Bangkok. Bệnh viện thông minh ở đây triển khai một số giải pháp sử dụng kết nối 5G như xe cứu thương thông minh, cho phép bác sĩ giao tiếp qua gọi video và chẩn đoán từ xa khi bệnh nhân đang trên đường đến bệnh viện; tư vấn và phẫu thuật từ xa; chở thuốc men, vật tư y tế bằng xe không người lái để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Thái Lan cũng đưa 5G vào để nâng cấp trải nghiệm du lịch trong nước. Tại bãi biển Pattaya, chính quyền địa phương đã triển khai các ứng dụng mới trên mạng 5G giúp cải thiện đáng kể việc quản lý và giám sát từ dự báo thời tiết, quản lý giao thông, an ninh bãi biển và tăng tốc độ kết nối băng thông rộng di động cho mọi người.

Tại Malaysia, một cơ sở khí hóa lỏng ngoài khơi được kết nối 5G, triển khai các giải pháp như mũ bảo hiểm trợ lý AR với độ trễ cực thấp, hệ thống giám sát CCTV thời gian thực không cần cáp, từ đó tăng đáng kể hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Tại Indonesia, chủ sở hữu mỏ PAMA phối hợp với các công ty khai mỏ và nhà mạng để phát triển giải pháp phù hợp như lập kế hoạch cho thời gian chạy của xe tải thông minh, giám sát mức độ tiêu thụ nhiên liệu, tỉnh táo của lái xe.

Từ các trường hợp nói trên, ông Hidetaka Shiraishi nhấn mạnh không có thành công nào có thể đạt được nếu không có sự hợp tác và tham gia từ tất cả các đối tác và tổ chức liên quan.

“Lãnh đạo ngành và sự cam kết làm việc cùng nhau đã, đang và sẽ tiếp tục là điều cần thiết và chắc chắn sẽ giúp kinh tế xã hội tăng trưởng bền vững và thịnh vượng”, ông kết luận.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.