Ba trụ cột giúp tăng cường hệ miễn dịch số cho doanh nghiệp

Tạp chí Nhịp sống số - Khi sự phụ thuộc vào công nghệ ngày càng cao, các doanh nghiệp càng dễ trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công mạng. Việc điều phối nhuần nhuyễn 3 trụ cột để tăng cường "hệ miễn dịch số" cho doanh nghiệp là vô cùng cần thiết

Việc nâng cao bảo mật, tăng cường "hệ miễn dịch số" không còn là việc cần làm mà đã trở thành việc bắt buộc phải làm đối với mỗi tổ chức, doanh nghiệp, theo các chuyên gia an ninh mạng. 

Mã độc tống tiền - thách thức lớn nhất đối với an ninh mạng hiện nay

Nhằm phân tích và đánh giá xu hướng của tình hình an ninh mạng trong 6 tháng cuối năm 2024, đồng thời đưa ra các giải pháp giúp tổ chức, doanh nghiệp vững vàng trên không gian số với chi phí tối ưu, mới đây, Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT) phối hợp với Công ty IBM Vietnam tổ chức hội thảo "Tăng cường hệ miễn dịch cho tổ chức, doanh nghiệp trên không gian số".

Tại sự kiện, ông Lê Xuân Sơn - Phó Tổng Giám đốc VNPT-IT nhận định 2024 là một năm nhiều thử thách đối với ngành ATTT. Khi sự phụ thuộc vào công nghệ ngày càng cao, các tổ chức, doanh nghiệp dễ trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền (Ransomware).

Ransomware hay mã độc tống tiền là loại phần mềm độc hại nhằm mục đích tống tiền nạn nhân bằng cách mã hóa dữ liệu trên máy tính/hệ thống. Bởi sự tinh vi và khả năng lan truyền mạnh mẽ, ransomware đã nhanh chóng trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với an ninh mạng hiện nay. Chính vì vậy, việc nâng cao bảo mật không còn là việc cần làm mà đã trở thành việc bắt buộc phải làm đối với mỗi tổ chức, doanh nghiệp. 

Theo số liệu được đưa ra trong báo cáo An toàn thông tin (ATTT) do Trung tâm An toàn thông tin của VNPT, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam hiện đang là một trong 10 quốc gia bị tấn công mã độc tống tiền (Ransomware) nhiều nhất thế giới. Đặc biệt, ransomware tăng đột biến so với năm 2023. Tỉ lệ doanh nghiệp, tổ chức bị tấn công ransomware năm 2023 là 66%, nhưng chỉ tính riêng nửa đầu năm 2024 tỉ lệ bị tấn công đã tăng lên 59%.

Các cuộc tấn công có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và cách thức tấn công. Số lượng lỗ hổng mới trong năm 2024 tăng 64,33% so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt các lỗ hổng có mức độ nghiêm trọng cũng tăng cao. Các sự cố lộ lọt dữ liệu có chiều hướng gia tăng khi tin tặc bắt đầu nhắm vào các hệ thống, hạ tầng của các tổ chức, doanh nghiệp vừa nhỏ, các hành vi buôn bán chia sẻ dữ liệu lộ lọt đã gia tăng 22,22%.  Kinh nghiệm từ các cuộc tấn công lớn cho thấy mã độc có thể đã được tin tặc cài cắm vào hệ thống trong một thời gian dài, tin tặc chỉ chờ thời cơ thích hợp để tiến hành mã hóa dữ liệu và tống tiền nạn nhân. Hậu quả để lại không chỉ gây tổn thất về mặt tài sản mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các tổ chức, doanh nghiệp.

Ba trụ cột giúp tăng cường hệ miễn dịch số cho doanh nghiệp

Theo ông Phạm Trung Đức - Chuyên gia ATTT đến từ VNPT-IT, để giảm thiểu tối đa các cuộc tấn công mạng, doanh nghiệp cần điều phối nhuần nhuyễn 3 trụ cột: quy trình, hệ thống ATTT và con người - điều mà phần đông các doanh nghiệp còn chưa chú trọng. Bởi nếu chỉ đầu tư riêng lẻ vào một trong ba trụ cột, việc xây dựng và giám sát ATTT không những trở nên khó khăn, mà còn làm mất đồng bộ trong quy trình ứng cứu và xử lý sự cố.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hân - Chuyên gia ATTT đến từ VNPT-IT - cũng phân tích chi tiết: Thông thường, lỗ hổng bảo mật sẽ được các tổ chức, doanh nghiệp vá lỗi trong vòng 13 ngày. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp cần có sự giám sát, cập nhật thông tin lỗ hổng ngay khi vừa xuất hiện thông tin. Song, phần lớn hệ thống bảo mật của các doanh nghiệp còn đơn điệu và chưa được quan tâm sát sao, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, một số tổ chức, doanh nghiệp chưa có đầy đủ hạ tầng, nguồn lực để phục vụ cho công tác đảm bảo ATTT, nhiều hệ thống không được nâng cấp, bảo trì thường xuyên, dẫn đến nguy cơ mất an toàn, an ninh dữ liệu. Đặc biệt, một số doanh nghiệp không có đội ngũ nhân sự có chuyên môn sâu về ATTT gây khó khăn trong công tác ứng cứu và xử lý sự cố. Đây là những nguyên nhân gốc rễ khiến cho hệ thống thông tin của nhiều đơn vị, doanh nghiệp liên tiếp bị tấn công. 

Định danh người dùng là tuyến phòng thủ đầu tiên của việc an ninh bảo mật. Tuy nhiên, chính việc chuyển đổi lên môi trường đám mây và chuyển đổi số nhanh chóng làm phân mảnh các giải pháp định danh, khiến các tổ chức gặp nhiều thách thức.

Bằng kinh nghiệm thực chiến dày dặn, ông Hoàng Anh Vũ - Giám đốc Kinh doanh ATTT của IBM Vietnam đã chỉ ra các chiến lược giúp doanh nghiệp tăng cường quản lý danh tính và quyền truy cập với giải pháp phân tích danh tính từ IBM Verify.

Ông Nguyễn Viết Đông - Chuyên gia Tư vấn giải pháp lưu trữ đến từ IBM Vietnam - khẳng định: Chưa có công cụ bảo mật an ninh mạng nào đạt được hiệu quả 100%. Mặc dù các công cụ này hoàn toàn cần thiết để ngăn chặn, phát hiện càng nhiều lỗ hổng càng tốt, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một lỗ hổng nào đó vẫn có thể lọt qua? Khi đó, các bản sao lưu chính là cơ sở để khôi phục dữ liệu.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng một chiến lược ATTT bài bản sẽ là bước đệm giúp tăng cường hệ miễn dịch số cho các doanh nghiệp trong bối cảnh đầy nguy cơ và thách thức an ninh mạng như hiện nay. 

Có thể bạn quan tâm